Từ Vị Ương Nghiễn của Vua Thiệu Trị đến Tức Mặc Hầu của Vua Tự Đức

Thứ năm - 06/07/2023 03:53
Ở viện bảo tàng tại đế đô (Huế) có một cái nghiên. Ông coi viện rất lấy làm vinh hạnh, khi có một người lạ đến thăm viện, để cho ông được dịp chỉ cho xem một cái nghiên xưa, mà ta thường gọi là nghiên của vua Tự Đức.
Từ Vị Ương Nghiễn của Vua Thiệu Trị đến Tức Mặc Hầu của Vua Tự Đức

I. NGHIÊN VỊ ƯƠNG (未央硯)

Trong chương 26 của tác phẩm Hơn Nửa Đời Hư (Calif. Văn Nghệ, 1995) cụ Vương Hồng Sển, một tác giả nổi tiếng trong giới sưu tầm sách vở và cổ ngoạn, có đăng lại bài viết của cố giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu (nguyên bản từ tuần báo Nhân Loại, số Xuân năm Kỷ Hợi, 1959), nhan đề “Sự tích một cái nghiên xưa”. Bài báo này đề cập đến việc có người dâng chiếc Tức Mặc Hầu lên vua Thiệu Trị căn cứ trên những chi tiết dựa theo Đại Nam thực lục chính biên, Đệ Tam kỷ, quyển XXV, Hiến Tổ Chương Hoàng Đế. Sau đây là nguyên văn trong sách Hơn Nửa Đời Hư (tr. 521-523):

SỰ TÍCH MỘT CÁI NGHIÊN XƯA

Ở viện bảo tàng tại đế đô (Huế) có một cái nghiên. Ông coi viện rất lấy làm vinh hạnh, khi có một người lạ đến thăm viện, để cho ông được dịp chỉ cho xem một cái nghiên xưa, mà ta thường gọi là nghiên của vua Tự Đức.

Tôi đã có nhiều dịp vào Huế để nhìn cái nghiên nầy.

Đã biết bao báu phẩm của ta bị mất.

Còn lại cái nghiên nầy.

Tra trong sử, ta thấy một sử liệu về cái nghiên lịch sử nầy.

Tôi xin sao sử liệu ấy ra đây.

Năm Nhâm Dần (năm thứ hai triều vua Thiệu Trị (1842) tháng mười, có người dâng cái nghiên xưa.

Dài bảy tấc bốn phân, rộng bốn tấc bảy phân, dày năm phân.
 

Chất bền mà láng bóng, kiểu xưa mà đơn sơ.

Rõ ràng một phiến “ngói âm dương” mà người xưa đã nhân hình dạng, đục ra chỗ chứa nước, chỗ mài mực.

Đầu nghiên có khắc bài minh rằng:

“1. Kỳ sắc ôn nhuận,

  1. Kỳ chế cổ phác,
  2. Hà dĩ trí chi,
  3. Thạch cừ bí các,
  4. Cải phong tức mặc,
  5. Lan đài liệt tước,
  6. Vĩnh nghi bửu chi,
  7. Thơ hương thị thác.” [1]

Bài thơ bằng chữ Hán đó khó dịch lắm. Có những chữ không có thể dịch được. Đại khái nghĩa bài thơ như sau nầy:

  1. Sắc nghiên ôn nhuận,
  2. Kiểu nghiên cổ phác,
  3. Nên đặt chỗ nào?
  4. Thạch cừ bí các,
  5. Tức mặc đổi phong,
  6. Lan đài dự tước,
  7. Quí báu đời đời,
  8. Thơ hương phú thác.

Bài minh bằng chữ Hán đã được các quan bộ Học dịch như trên.

Có một điển tích, ấy là đời xưa phong cái nghiên là Tức Mặc Hầu. Tức mặc là tên đất, mà nghĩa chánh, tức là tới, mặc là mực. Vậy nên đời xưa, nhân tên đất mà phong hầu cho cái nghiên, lại có ý riêng là cái đựng mực. Lan đài là nơi làm sách. Nơi ấy phải cần nghiên bút.

Nghiên là Tức Mặc Hầu,

Bút là Quản Thành Tử.

Nghiên và bút đều được dự tước trong Lan đài cả.

Sau bài minh đã dẫn ở trên, ông Tô Thức xưa có khắc hai cái ấn.

Một cái khắc hai chữ « Kỳ trân », nghĩa là quí lạ.

Một cái khắc hai chữ « Tàng bửu » nghĩa là báu kín.

Ông Tô Thức là một vị hay chữ đời Tống.

Sau lưng nghiên có khắc bốn chữ « Thạch cừ các ngoã », nghĩa là ngói ở nơi các Thạch cừ.

Dưới, lạc khoản mấy chữ rằng : « Nghiên này chế tại tháng tám, năm thứ ba, hiệu Nguyên phù ».

Ngài truyền đem nghiên ấy dâng vào sở Kinh diên.

Rồi ngài truyền Nội các như sau này : (Ta đừng quên rằng ngài Thiệu Trị rất hay chữ) : « nghiên này là nghiên Các Thạch Cừ » xưa.[2]

Nguyên các ấy từ Tiêu Hà lập ra để chứa đồ tịch. Đến năm thứ ba, hiệu Cam lộ, vua Tuyên đế nhà Hán, hội các nho thần giảng kinh tại đó.

Từ năm thứ ba hiệu Cam lộ đến năm thứ ba hiệu Nguyên phù đời Triết tôn nhà Tống, Tô Thức mới được phiến ngói ấy, làm thành nghiên, cả thảy một ngàn một trăm bốn mươi chín năm (1149).

Từ khi ấy đến nay, lại được hơn bảy trăm bốn mươi năm nữa (740). Thời nghiên này gốc tích là đời Hán, làm thành ở đời Tống, mà xuất hiện ra đời nay, thiệt là một vật báu về việc hàn mặc.

Bây giờ cách sau Hán Tống đến hơn hai ngàn năm mà văn minh thịnh hội cũng như Hán Tống trước, há chẳng phải là vật quí báu Trời Đất để dành, đợi thời mới bày tỏ ra hay sao ?

Trong đạo chuộng văn, khác thời thế, mà chung một vật báu, đời nay cùng đời Hán Tống xưa, chừng có cơ duyên khế hiệp với nhau chăng ?

Âu Dương Tu đời Tống xưa có câu rằng : « Ai ưng vật gì thời vật ấy thường tụ hội tới ». Nghĩa là vậy đó.

Trên đây tôi sao nguyên văn một sử liệu trong bộ Chánh biên.

Một câu hỏi được đặt ra : « Ai đã dâng nghiên xưa này lên ngài Thiệu Trị ? ».

Phải chăng là một người Tàu ? Người này đã biết giá trị của cái nghiên và đã biết đem dâng cái nghiên ấy lên nhà vua.

Vua tự Đức đã thường dùng cái nghiên đó. Thực là một quốc bảo, còn giữ được đến bây giờ, cũng là một sự lạ, vì chưa ai ăn cắp hay đập vỡ.

Giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu dường như nhận lầm chiếc nghiên của vua Thiệu Trị được gọi là Tức Mặc Hầu (từ đời Tống) làm bằng ngói cung Vị Ương do Tô Thức chế tác với chiếc nghiên Đoan Khê do chính vua Tự Đức sai làm khi mới lên ngôi [cũng phong cho nghiên này là Tức Mặc Hầu] nên mới viết là « Vua Tự Đức thường dùng cái nghiên đó ».

Với người Việt Nam, một chiếc nghiên được phong tước hầu tương đối lạ lùng, tưởng như có một không hai (và có lẽ cũng vì thế mà cụ VHS đã huyền thoại hoá chiếc nghiên khá nhiều) nhưng thực ra trong Tây Thanh Nghiễn Phổ cũng đã ghi nhận một số nghiên tàng trữ trong cung làm bằng ngói từ đài Đồng Tước và cung Vị Ương. Tức Mặc Hầu cũng là một trong những tên văn nhân gọi món đồ dùng để mài mực một cách trịnh trọng.

Cung Vị Ương (未央宮)[3]

Tại sao chiếc nghiên làm bằng ngói ở cung Vị Ương lại quí? Có nhiều lý do nhưng trước hết là cung ấy đã bị phá huỷ nên những di sản còn lại đều trở thành hiếm hoi. Cung Vị Ương được xây dưới đời Hán Cao Tổ, có diện tích rất rộng và nhiều triều đại đã dùng làm thủ phủ hành chánh nhưng đã bị thiêu huỷ vào đời Đường. Ngói lợp cung Vị Ương là một loại ngói không tráng men, cách làm cũng công phu như cách người ta làm đất tử sa để nặn ấm đất nên những viên ngói theo năm tháng bị mưa gió làm mòn nhẵn, cứng nhưng không ráp, mài mực rất tốt.

Đài Đồng Tước (銅雀)

Là công trình do Tào Tháo đời Tam Quốc kiến tạo năm Kiến An 15 (210 TL). Đài cao 10 trượng, chia ra làm ba ngọn cách nhau 60 bước, có cầu bắc để đi từ đài nọ sang đài kia. Tào Thực (con Tào Tháo) còn truyền lại một bài Đồng Tước Đài Phú rất nổi tiếng. Người Việt Nam biết nhiều về đài Đồng Tước qua việc Khổng Minh khích Chu Du trong truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa và Truyện Kiều hơn là qua lịch sử.

Việc chế tạo gạch, ngói dùng trong các cung điện của vua chúa Trung Hoa cũng công phu và nhiều giai đoạn không khác gì việc làm những đồ gốm loại tốt nhất. Trong Glimpses of the Court of China, 1773, giáo sĩ Benoit miêu tả gạch làm trong cung của vua Càn Long như sau:

… Nền của buồng này và các phòng khác của hoàng đế đều lát gạch mà họ gọi là kim chuyên[4] (kin-tchou-en) – có nghĩa là gạch kim khí – vì khi họ lát thì tiếng kêu như tiếng đồng hay tiếng kim loại. Những viên gạch đó vuông vức 60 phân, được làm ở những tỉnh phía nam. Loại sa thạch mà người ta làm gạch này được dùng để làm đá mài. Người ta [giã nhỏ thành cát] trộn cát nước để trong bồn cho lóng một thời gian và các vật thể lớn đọng lại dưới đáy thùng, sau đó đổ nước sang thùng khác và để một thời gian lâu cho đến khi nào chất liệu mịn nhất đã kết tủa. Chất kết tủa này được dùng làm gạch, mặt láng đến nỗi những mảnh vỡ thường được dùng để mài dao cạo và đánh bóng các đồ kim loại khác. Mỗi viên gạch trị giá 40 lạng bạc, trị giá tương đương với 100 crowns[5] bên Pháp. Khi lát cái sàn này, họ gắn các viên gạch với nhau bằng một loại keo có trộn sơn và khi đâu vào đấy rồi họ lại quét sơn lên khiến cho mặt điện luôn luôn bóng lộn, và cũng rất cứng, khi bước lên trên chúng ta có cảm tưởng là lát bằng đá cẩm thạch.[6]

Có một đoạn tương đối quan trọng ngay sau phần giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu trích trong Thực Lục bên trên. Đoạn đó như sau:

 Vua lại nói rằng:

Trong Ngoã Nghiễn Phổ có viết là ở nơi di chỉ của đài Đồng Tước của nhà Nguỵ người ta thường giữ được ngói cũ, đục thành nghiên rất khéo, giữ nước mấy ngày không khô. Theo tích xưa truyền lại thì khi làm những viên ngói xây đài này thì người thợ làm đồ gốm lấy bùn (nguyên văn Trừng Nê, tức bùn ở sông Phần), dùng vải rây rồi cho thêm dầu hồ đào thành đất thó nên ngói đó khác với ngói thường.

Nay trẫm xem cái nghiên này là di tích từ Thạch Cừ, ngói ở Đồng Tước làm sao sánh với vẻ cổ phác của nó được? (NDC dịch)

Xem như vậy, vua Thiệu Trị học rộng nên biết rằng ngói đài Đồng Tước làm từ Trừng Nê mà ngói Vị Ương còn tốt hơn, chiếc nghiên của ông quả là trân quí. Chiếc nghiên của vua Thiệu Trị không biết nay ở đâu nhưng một chiếc nghiên khác cũng được phong Tức Mặc Hầu [đời Tự Đức] thì lại nổi đình nổi đám hơn nhiều, gây tranh luận kèm theo một số giả thuyết theo hướng “âm mưu” [conspiracy theory] mà tung tích vẫn còn mờ mịt.

Đại Nam Thực Lục chính biên

Đệ Tam kỷ, quyển XXV

      

Vị Ương Nghiễn

   

Đồng Tước Nghiễn

Tây Thanh Nghiễn Phổ (Thanh)

Hai chiếc nghiên này được chế tạo từ ngói cũ ở cung Vị Ương và đài Đồng Tước đời Hán

 

 

II . NGHIÊN TỨC MẶC HẦU

Chiếc nghiên Vị Ương của vua Thiệu Trị, kể cả bài viết của giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu về chiếc nghiên này chỉ là phần phụ, phần chính yếu cụ Vương Hồng Sển muốn đề cập đến là một chiếc nghiên khác mà chính cụ cầm lên xem, thử nghiệm và được miêu tả với nhiều chi tiết lạ lùng.[7]

Câu chuyện về chiếc nghiên được ghi lại như một hồi ký đăng trên tạp chí Bách Khoa (thời đại), số đặc biệt 290-291 ngày 1 và 15-2 năm 1969, Tết Kỷ Dậu dưới nhan đề “Nghiên mực Tức-Mặc-Hầu của vua Tự Đức” trong đó cụ Vương úp mở đưa ra một giả định (nhưng gần như chắc chắn, dù chỉ nghe người khác nói lại) là có người đã đem vào trong Nam để dâng cho ông Ngô Đình Diệm và nghiên đó đã thất tung sau ngày đảo chánh năm 1963.

Cũng từ bài viết chúng ta tìm được những chi tiết sớm hơn. Trong tập san Đô Thành Hiếu Cổ, năm thứ tư, số 3 các tháng 7-8-9 năm 1917 (Bulletin des Amis du Vieux Hué 4année No 3, Jullet-Sept 1917) đọc được hai bài về chiếc nghiên, một của E. Gras và một của Ngô Đình Diệm (dịch bài minh trên nắp hộp). Giữa hai bài viết còn thấy một bản tranh (planche) vẽ chiếc nghiên Tức Mặc Hầu khá rõ và trung thực của hoạ sĩ Tôn Thất Sa.

Tác giả Bài viết Xuất xứ Nội dung
Vương Hồng Sển Nghiên mực Tức-Mặc-Hầu của vua Tự Đức Bách Khoa thời đại, số đặc biệt 290-291 ngày 1 và 15-2 năm 1969, Tết Kỷ Dậu Tường thuật việc tác giả được cho xem chiếc nghiên của vua Tự Đức và những suy đoán về việc chiếc nghiên bị mất tích
E. Gras Sur un encrier de Tu-Duc  Bulletin des Amis du Vieux Hué 4année No 3, Jullet-Sept 1917 Miêu tả chi tiết hình dáng và các đặc tính của chiếc nghiên TMH
Ngô Đình Diệm (dịch và chú giải) L’encrier de S. M. Tu-Duc  nt Bản dịch bài minh của vua Tự Đức trên nắp hộp đựng nghiên và những hàng chữ ở chung quanh chiếc nghiên
Tôn Thất Sa Hình vẽ chiếc nghiên TMH nt (tr. 209) Vẽ chính diện và hàng chữ cạnh đông và cạnh nam chiếc nghiên

Ngoài hình vẽ của hoạ sĩ Tôn Thất Sa trong VABH và tấm ảnh nơi bài của cụ Vương Hồng Sển [khá mờ] trong Bách Khoa thời đại (tr. 15) hình ảnh chiếc nghiên cũng còn xuất hiện ở nơi khác. Khi nền đệ Nhất cộng hoà còn phôi thai, chính phủ [Nam] Việt Nam có ấn hành một số sách vở nhằm quảng bá thành quả ban đầu của quốc gia với thế giới. Những tác phẩm này được xuất bản bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp, in ở nước ngoài [có lẽ các nhà in quốc nội chưa đủ kỹ thuật in giấy bóng hay hình màu với độ phân giải cao].

Trong Việt Nam d’hier et d’aujourdhui (tiếng Pháp) do Thái Văn Kiểm biên soạn (338 trang, được in tại Tanger, Maroc ngày 20 juillet, năm 1956) và một ấn bản khác (tiếng Anh) nhan đề Viet Nam: Past and Present (442 trang, không đề nơi in, năm 1957) có hình chiếc nghiên Tức Mặc Hầu của vua Tự Đức (Việt Nam d’hier et d’aujourdhui ở trang 89 và Viet Nam: Past and Present ở trang 106).

Việt Nam d’hier et d’aujourdhui, 1956 (tr. 89)

Viet Nam: Past and Present, 1957 (tr. 106)

[Tủ sách NDC]

Vietnamese Realities (1967), tr. 89

[Tủ sách NDC]

Đến năm 1967, thời đệ Nhị cộng hoà, một tác phẩm khác của Bộ Ngoại Giao có tên là Vietnamese Realities (190 trang, nội dung sử dụng khá nhiều tài liệu từ ấn bản 1956, 1957), tấm hình chiếc nghiên lại thấy xuất hiện nơi trang 89, lớn hơn hai tấm hình trước đây [hình bên trên] nhưng cũng không đủ rõ để có thể đọc được bài minh trên nắp hộp. Ngoài ra, theo chúng tôi ghi nhớ, hình chiếc nghiên này còn được đăng trên tạp chí Văn Hoá Nguyệt San và cũng có thể ở những nơi khác.

Mậu Thân hay Mậu Thìn?

Vậy chiếc nghiên miêu tả có tạc hình 8 vị tiên (và một vị khác cùng tiểu đồng đang đi tới ở phía bên trái) bằng đá Đoan Khê với nhiều dật sự ly kỳ được cụ Vương Hồng Sển kể lại nhân chuyến ra thăm Huế chính là chiếc nghiên ta thấy ở trên. Bài viết của cụ Vương (Bách Khoa thời đại) cũng cho biết tại chiếc nghiên này, kể cả hộp, có đến ba bài minh, trên nắp, dưới đáy hộp và dưới đáy nghiên.

Tôi lật bề trái xem trước, thì là một bài văn “ngự chế” của đức Dực Tôn, đề cao đặc tánh có một không hai của Tức Mặc Hầu. Chữ khắc nổi, mạ vàng lên trên, sắc sảo vô song, tiếc vì ảnh chụp không đủ sức làm lộ ra nét độc đáo này. Tôi xem qua hộp đựng, thì là một cái hộp rất mỹ thuật làm bằng đồi mồi Hà Tiên, trong trẻo và vàng hực, làm cho bài thi “ngự chế” khắc lên nắp trên nắp dưới cái hộp càng khiêu gợi; theo tôi, nội cái hộp cũng đủ là một mỹ-phẩm tuyệt tác … [8]

Trong tất cả những tài liệu, nhất là bản dịch của ông Ngô Đình Diệm và miêu tả của E. Gras, chúng ta chỉ thấy đề cập đến [và dịch] bài minh trên nắp hộp [xà cừ khảm trên sơn đen], các hàng chữ của bốn cạnh đông, tây, nam, bắc của chiếc nghiên[9] chứ không thấy nói gì đến bài thơ ngự chế nào ở mặt dưới nắp hộp cả. Cái mà cụ Vương nói là “bề trái” của chiếc nghiên chính là bài minh và đó là “ngự chế thi” duy nhất chúng ta thấy được.[10]

Bài viết trên Bách Khoa khi in lại trong Hơn Nửa Đời Hư có khác đôi chút, người viết xin chép lại nguyên văn đoạn này:

…Tôi cầm nghiên mực mà suy nghĩ mông lung, ban đầu tôi lật bề trái xem trước, và đây cũng là méo mó nghề nghiệp, thuở nay nghề chơi đĩa xưa dạy hễ gặp thứ gì hay thì “lật đít” xem trước, đọc ký hiệu nếu là đồ cổ, hoặc tìm gì gì nếu đó là thiên kim giai nhân! Dưới đáy nghiên là một bài văn “ngự chế” của đức Dực Tôn, đề cao đặc tính của nghiên Tức Mặc Hầu. Chữ khắc nổi, mạ vàng lên mặt chữ, sắc sảo không thể tả, tiếc vì tôi chỉ biết mò bằng tay và khen tấm tắc, chớ không biết khen bằng mắt vì mắt không đọc được chữ nào! Lúc đó tuy có thâu vào máy ảnh, nhưng chữ tế vi quá, không đọc được, vả lại ngày nay ảnh cũng mất, nên khen cũng như không. Sau khi xem đáy, tôi xem qua hộp đựng, thì đây là một cái hộp rất mỹ thuật, làm bằng đồi mồi Hà Tiên, loại thật đẹp, thật quí, trong trẻo và vàng hực, khiến cho bài thi ngự chế nổi bật: một bài khắc trên nắp hộp và một bài nữa khắc trên mặt dưới của cái hộp, khiến tôi khen thầm, nội cái hộp nầy không, cũng đủ là một mỹ thuật phẩm tuyệt tác …” [HNDH, tr. 517-8]

Nói tóm lại, trong cả bài gốc ở Bách Khoa và sau này in trong Hơn Nửa Đời Hư, cụ Vương Hồng Sển đều xác định rằng cả chiếc nghiên và hộp đựng có đến ba nơi khắc chữ: dưới đáy nghiên, trên nắp hộp và dưới đáy hộp. Cả ba đều là ngự chế thi.

Tuy cụ Vương Hồng Sển viết rất nhiều chi tiết nhưng đối chiếu với những tài liệu khác thì có đôi chỗ không rõ rệt lắm. Cụ Vương viết chiếc hộp làm bằng đồi mồi, vậy là như thế nào?

Đồi mồi không phải là vật liệu có thể làm những gia cụ lớn như hộp đựng nghiên nêu trên, nên có lẽ là hộp gỗ dát những miếng đồi mồi mỏng. Mà cũng không phải dát toàn bộ vì trông tấm hình trích từ Vietnamese Realities, chúng ta cũng thấy cái nắp hộp bỏ riêng ra ngoài, phần trên là gỗ sơn mài đen [nắp làm lớn hơn diện tích hộp phía dưới], trên khảm bài minh bằng xà cừ như những tài liệu khác chúng tôi tham khảo.

Trước hết là bản dịch của một viên thư lại cửu phẩm ở Tân Thơ Viện [Tân Thư Viện] có nhan đề “Chiếc nghiên mực của vua Tự Đức”[11] . Người dịch Ngô Đình Diệm chính là tổng thống đầu tiên của Đệ Nhất cộng hoà miền nam Việt Nam sau này. So sánh những chữ Hán có thể đọc được, bản dịch của ông Ngô Đình Diệm trên BAVH chính là bài minh bên trên nắp hộp nghiên, còn hai bài khác ở dưới đáy nghiên và dưới nắp hộp như cụ Vương Hồng Sển miêu tả thì không thấy tài liệu nào đưa ra thêm các chi tiết.

Phần cuối bản dịch của Ngô Đình Diệm

BAVH, Jullet-Sept 1917, tr. 212

Bài minh dài [9 hàng 31 chữ và 1 hàng 29 chữ, tổng cộng 308 chữ + thêm đầu đề 6 chữ, lạc khoản 12 chữ] ta biết trên nắp hộp có khảm tất cả 326 chữ và hai con dấu. Ngoài ra, theo bản dịch ta cũng biết chiếc nghiên còn đôi câu đối ở hai bên đông tây (faces latérales) để ca tụng và hai hàng chữ ở hai bên nam bắc (deux autres extrémités) cho biết thêm về nơi lưu trữ và năm chế tạo.

Như thế ta chỉ thấy trong bài dịch của ông Ngô Đình Diệm chỉ có một bài minh và hai câu (ở hai bên đông tây) [faces latérales] và niên đại (ở trên dưới nam bắc) [deux autres extrémités] nên việc cụ Vương đề cập đến hai bài khác dưới đáy hộp và đáy nghiên [không đề cập trong BAVH] là một bí ẩn khó hiểu. Không lẽ ông Ngô Đình Diệm khi dịch những tự tích liên quan đến chiếc nghiên lại bỏ quên hai bài minh quan trọng như thế?

Hay là cụ Vương nhớ nhầm?

Có một điểm đáng thắc mắc. Đó là theo bài dịch – không phải một mà hai lần – ông Ngô Đình Diệm đã dịch năm khắc bài minh này là năm mậu thìn (1868), tức là cách nhau đến 20 năm. Bài dịch viết:

Fait un jour faste de l’an mậu-thìn (1868) de la période Tự-Đức (dòng 5)

Un jour faste de l’année mậu-thìn de la période Tự-Đức (dòng cuối) [trang 212]

Trong khi đó trên tấm ảnh nắp hộp nghiên thì hai hàng chữ cuối cùng [tức hàng dọc bên trái], ngay trên hai chiếc ấn chúng ta có thể vẫn còn nhận ra một số hàng chữ (từ trên xuống):

嗣德戊申吉月日…

Tự Đức Mậu Thân Cát Nguyệt Nhật … (?)

Ngoài cùng bên trái là ba chữ :

御製詩

Ngự Chế Thi

Mậu Thân là năm 1848 Dương Lịch, tức Tự Đức nguyên niên, là năm đầu khi vua Dực Tôn vừa lên ngôi nên việc cho làm một chiếc nghiên để kỷ niệm năm đầu thân chánh là chuyện thường làm vì các món nhật dụng của tiên vương không truyền cho đời sau mà đem vào thờ chung trong lăng.

Chắc chắn với trình độ của ông Ngô Đình Diệm, ông không thể đọc nhầm hai chữ Mậu Thân [戊申] và Mậu Thìn [戊辰] nên người viết cho rằng khi xếp chữ bản in có thể bị nhầm chữ Thân và chữ Thìn vì chữ Hán thì Thân và Thìn khác hẳn nhau nhưng quốc ngữ theo mẫu tự Latin thì lại gần giống nhau. Lạ nhất là lại có chữ số 1868 để trong ngoặc đơn nên biết rằng hai chữ mậu thìn không phải do sơ xuất, nhưng không biết được thêm vào sau hay từ chính bản dịch của ông Diệm?

8 6

Hình vẽ của Tôn Thất Sa (BAVH)

Cũng trong số tạp chí đó, ngay trước bài dịch này, chúng ta lại được đọc một bài viết về cùng chiếc nghiên do E. Gras viết nhan đề « Sur un encrier de Tu-Duc » (Trên chiếc nghiên của vua Tự Đức) trang 207-208 và có thêm ở trang 209 là hình vẽ chiếc nghiên của Tôn Thất Sa (Planche XXVIII) khá rõ ràng vì chúng ta có thể đếm được 2 mắt cù dục lớn, một ở nghiễn trì, một ở nghiễn đường và ít nhất bốn mắt khác nhỏ hơn lẩn trong các hoạ tiết và mép nghiên. Cũng trên hình vẽ này, chúng ta đọc được hàng chữ « Tự Đức Mậu Thân Cát Nguyệt Nhật … » ở phía đáy tương tự như bài minh trên nắp hộp đã đề cập ở trên. Với hai chi tiết từ hai tài liệu riêng rẽ, chúng ta biết chắc rằng năm chế tạo chiếc nghiên là năm Mậu Thân (1848) chứ không phải là năm Mậu Thìn (1868) như bản dịch của ông Ngô Đình Diệm.

Theo bức hình chụp in trong Vietnamese Realities, chúng ta thấy nắp trên của hộp nghiên là sơn mài đen bóng trên khảm bằng xà cừ bài thơ ngự chế. Chiếc nắp hộp được để ra phía bên phải chiếc nghiên.

Cũng từ trình bày ngày 5 tháng 6, 1917 của E. Gras, chúng ta biết nhiều hơn về chiếc hộp đựng nghiên. Dó là một hộp bằng sơn mài đen, với những hàng chữ Hán được khảm bằng xà cừ, có 4 chân làm bằng ngà.[12] Với những chi tiết ông Gras miêu tả, cái nghiên theo thời gian đã thẫm màu, chữ mà giới chuyên môn gọi là « phong hoá ». Đó cũng là thường tình vì nghiên Đoan Khê khi mới thường có màu tím nhạt, sau ngả màu xanh lục như đá ở ngoài trời lâu ngày. Về ngoại hình, chúng ta biết được chiếp hộp này là hộp đồi mồi tuy mai rùa thường không đủ lớn đển có thể cắt ra làm một chiếc hộp to như thế. Vậy chắc là đồi mồi Hà Tiên được khảm hay lát trên chiếc hộp bằng nhiều miếng nhỏ nên cụ Vương miêu tả là « trong trẻo và vàng hực ».

Nói tóm lại, hình vẽ của Tôn Thất Sa là vẽ riêng cái nghiên còn hình chụp trong sách Vietnamese Realities bao gồm nghiên để trong hộp, nắp trên bỏ ra ngoài để lộ bài minh ngự chế của vua Dực Tôn. Chiếc nghiên làm bằng đá Đoan Khê, hộp làm bằng gỗ, sơn mài đen khảm chữ bằng xà cừ, bên ngoài lát đồi mồi màu vàng.

Khi ông Ngô Đình Diệm dịch bài minh này (1917), ông chỉ mới 16 tuổi (ông sinh năm 1901). Theo các chi tiết trong tiểu sử, đây là thời gian mà cha ông [Ngô Đình Khả] đang bị thất thế (năm 1907, Ngô Đình Khả bị mất chức tổng quản tử cấm thành vì không đồng ý truất phế vua Thành Thái). Kể từ đó, gia đình họ Ngô sa sút nên sau này, ông Ngô Đình Diệm được theo học trường Hậu Bổ cũng là nhờ sự nâng đỡ của thượng thư Nguyễn Hữu Bài (bố vợ ông Ngô Đình Khôi, con trưởng của ông Ngô Đình Khả). Tuy nhiên, Ngô Đình Diệm nhập học trường Hậu Bổ năm 1918 nên vào thời điểm dịch bài minh này, ông còn đang theo học trường Quốc Học [bậc trung học].

Cũng theo bài báo thì ông Ngô Đình Diệm làm việc trong Tân Thơ Viện, ngạch cửu phẩm [là ngạch thấp nhất trong quan trường] thường dành cho những người chưa có chức vụ gì cả, và việc dịch bài minh có thể do cấp trên yêu cầu, vừa để làm tài liệu đăng báo, vừa như một hình thức gián tiếp giúp đỡ cậu thiếu niên một số tiền nhuận bút. Một thanh niên 16 tuổi dịch một bài cổ thi tương đối khó, nhiều chi tiết cần giải thích [bài khoảng 2 trang có 23 cước chú] nên chưa chắc ông đã có thể làm một mình mà có thể được người lớn (trong gia đình hay trong toà soạn) giúp đỡ trong việc tìm kiếm tài liệu.

Có thể ví nhiệm vụ của Ngô Đình Diệm trong Tân Thơ Viện như một học sinh hay sinh viên làm việc tạm thời, tập sự (intern) tại các cơ quan hành chánh ngày nay. Việc cụ Vương Hồng Sển cho rằng ông Diệm lưu tâm tới chiếc nghiên từ lâu và sau này tìm cách chiếm lãnh một bảo vật quốc gia là một suy luận đi quá xa và cũng không có cơ sở chắc chắn. Nếu quả ông có vui mừng khi nghe nhắc đến bài trên BAVH có lẽ vì đây là một kỷ niệm khó quên của một thanh niên có công trình được đăng trên một tạp chí uy tín vào bậc nhất ở Đông Dương thời đó.[13]

Như vậy ta thấy có hai chiếc nghiên được gọi là Tức Mặc Hầu. Chiếc nghiên thứ nhất là một chiếc nghiên cổ [có tên sẵn theo bài minh khắc trên đó] làm bằng ngói Vị Ương do Tô Đông Pha (Tống) chế tạo. Chiếc nghiên này được dâng lên vua Hiến Tổ tháng Mười năm Thiệu Trị 2 (1842) như đã chép trong Đại Nam Thực Lục. Chiếc nghiên thứ hai được làm bằng đá Đoan Khê được vua Dực Tôn phong Tức Mặc Hầu năm Tự Đức nguyên niên (1848). Cả chiếc hộp và cái nghiên này đều được thực hiện cùng năm vì có hàng chữ « Tự Đức Mậu Thân … » nơi bài minh khảm trên nắp hộp [trong bức hình ở Vietnamese Realities] hay ở cạnh dưới của chiếc nghiên [trong bức vẽ của hoạ sĩ Tôn Thất Sa trong BAVH, Juillet-Sept. 1917].[14]

Trên thị trường, nghiên bằng đá Đoan Khê nay cũng khá thông dụng, nhiều chiếc tân tạo nhưng được điêu khắc cầu kỳ. Riêng những mắt nghiên nếu thực là cù dục nhãn thì rất hiếm, chỉ người giàu hay có duyên may mới có được.

Như vậy, việc vua Thiệu Trị và vua Tự Đức phong [hay đề cao] cái nghiên quí của mình là Tức Mặc Hầu cũng chỉ lập lại một thông tục của Trung Hoa đời trước chứ không phải chưa từng có. Tức Mặc Hầu vì thế đã trở thành một dạng “nhân cách hoá” (personification) một đồ vật thân thiết, nhất là đối với giới nho sĩ vốn coi chữ nghĩa là biểu tượng cho di sản của thánh hiền.

9-2018


PHỤ LỤC

Sau khi nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí Nghiên Cứu & Phát Triển (Huế) số 1 (155). 2020 (tr. 122-137), toà soạn đã bổ túc cho bài viết bằng nguyên văn bài minh (trên nắp hộp) và bản dịch của nhà Hán học Vĩnh Cao trích từ “Huyền thoại về “Tức Mặc Hầu”” trong tác phẩm Với di sản Huế của Phan Thanh Hải (Huế: Nxb Thuận Hoá, 2012) tr. 45-52. Các chú thích là của tác giả Vĩnh Cao phần nhiều dựa trên bản dịch của Ngô Đình Diệm trong BAVH Juillet-Sept. 1917 nên đôi chỗ không chính xác. Chúng tôi chỉ chép lại nguyên văn. Chân thành cám ơn nhà Hán học Vĩnh Cao và tác giả Phan Thanh Hải.

Chúng tôi xin kèm nguyên bản, phiên âm và bản dịch của Vĩnh Cao sau đây:

Nguyên văn chữ Hán Dịch âm Dịch nghĩa
經筵端谿石硯 Kinh diên Đoan Khê thạch nghiễn Nghiên đá Kinh Diên,[15] Đoan Khê[16]
素性好學好文章 Tố tính hiếu học hiếu văn chương Vốn tính ham học mến văn chương
染翰操觚日日常 Nhiễm hàn tháo cô nhật nhật thường Say mê bút mực chuyện ngày thường
經筵四寶三可悅 Kinh diên tứ bảo tam khả duyệt Văn phòng Tứ bảo[17] ba khá thích
只怪硯池尤屑屑 Chỉ quái nghiên trì, vưu tiết tiết Chỉ mình nghiên mực là đáng tiếc
蘇竹蒼璧世所希 Tô trúc thương bích thế sở hi Tô trúc, Thương bích[18] hiếm ở đời
水燥墨澀筆難揮 Thuỷ táo mặc sáp bút nan huy Nước khô mực quánh bút khó dời
聞道端谿獨出類 Văn đạo Đoan Khê độc xuất loại Nghe nói Đoan Khê loại đặc dị
欲得未得猶留意 Dục đắc vị đắc, do lưu ý Muốn mà chưa có còn lưu ý
忽然紫氣自東來 Hốt nhiên tử khí tự đông lai Bỗng chốc từ đông toả khí lành[19]
雲衣霞帔九光開 Vân y hà bí, cửu quang khai Ráng mây rực rỡ phủ hình thành
送將古樸羅文子 Tống tương cổ phác la văn tử Trên la văn[20] nét cổ đơn sơ
便[21]助健思掞千才 Tiện trợ kiện tư, thiểm thiên tài Giãi bày ý tưởng, tỏ anh tài
拾歸玩閱堪親愛 Thập quy ngoạn duyệt kham thân ái Thưởng thức lòng càng thêm thân ái
九寸有餘全面背 Cửu thốn hữu dư, toàn diện bối Sau trước tính ra hơn chín tấc
質器堅厚匹盒玉 Chất khí kiên hậu thất hạp ngọc Hộp ngọc cứng dày rất vững chắc
不知遠近何年代 Bất tri viễn cận, hà niên đại Chẳng rành niên đại sớm hay xưa
或刻樓臺或海嶠 Hoặc khắc lâu đài, hoặc hải kiệu Chỗ khắc lâu đài, chỗ biển núi
九老看圖相談笑 Cửu lão khán đồ tương đàm tiếu Cửu lão nhìn tranh cùng nói cười
復有延佇攜杖藜 Phục hữu diên trữ huề trượng lê Có ông đứng mãi cầm trượng lê
鑱玉割雲無窮妙 Sàm ngọc cát vân vô cùng diệu Đục ngọc chạm mây, rất kỳ diệu
色雜青紫如猪肝 Sắc tạp thanh tử như trư can Xanh tím lẫn nhau đúng sắc gan
表裏瑩潔凝秋寒 Biểu lý oánh khiết ngưng thu hàn Trong ngoài toả đọng khí thu hàn
中間五箇鴝鵒眼 Trung gian ngũ cá cù dục nhãn Ở giữa có năm cù dục nhãn[22]
狀似心房列成團 Trạng tự Tâm Phòng liệt thành đoàn Dáng tựa Tâm Phòng[23] tạo nên hình
斧柯山潭有鷺駐 Phủ Kha sơn đàm hữu lộ trú Núi đầm Phủ Kha[24] nơi cò đậu[25]
石中之精良工遇 Thạch trung chi tinh lương công ngộ Thợ đá[26] khéo tay tìm thấy được
隨形磨琢巧製成 Tuỳ hình ma trác xảo chế thành Theo thể dũa mài để tạo nên
我今一見亦如故 Ngã kim nhất kiến diệc như cố Nay ta gặp lại như người cũ
抑是帝鴻之遺珍 Ức thị Đế Hồng chi di trân Vật quí Đế Hồng[27] còn giữ được
抑是孔子之結鄰 Ức thị Khổng Tử chi Kết Lân Hay ấy Kết Lân[28] thời Khổng Tử
廉隅方整無瑕玷 Liêm ngung phương chỉnh vô hà điếm Góc cạnh vuông vắn chẳng vết tì
讒邪不污稱德人 Sàm tà bất  xng đức nhân Khó mà chê, hợp người nhiều đức
明窗遣興試謄繕 Minh song khiển hng thí đằng thiện Cảm hứng bên song thử mấy hàng
呵水漫漬天液衍  thuỷ mạn tý thiên dịch diễn Hà hơi khắp, thiên dịch[29] toả lan
殺墨如夙淬筆鋒 Sát mặc như túc thối bút phong Mực có sẵn thấm ngay ngọn bút
滑乃膏油光雷電 Hoạt nãi cao du quang lôi điện Đã trơn láng mà màu long lánh
紅絲青鐵可奴僕 Hồng ty, Thanh thiết khả nô bộc Thanh thiết, Hồng ty,[30] chỉ nô tài
銅瓦汾泥非比侔 Đồng ngoã, Phần nê phi tỷ mâu Đồng ngoã, Phần nê đủ sánh đâu[31]
為天下冠聲價重 Vi thiên hạ quán, thanh giá trng Quán quân thiên hạ nêu cao giá
褒獎宜拜即墨侯 Bao tưởng nghi bái Tức Mặc Hầu Tặng thưởng bèn phong Tức Mặc Hầu[32]
文字之祥禎應早 Văn tự chi tường trinh ưng tảo Văn tự điềm lành cho sớm ứng
國運大亨興治道 Quốc vận đại hanh hưng trị đạo Vận nước hanh thông, đạo thịnh hưng
扶持世教著功深 Phù trì thế giáo tr công thâm Giúp phò thế giáo, lập công sâu
永傳子孫守此寶 Vĩnh truyn tử tôn thủ thử bảo Truyền cho con cháu gìn giữ mãi
嗣德戊申吉月日恭鐫 Tự Đức Mậu Thân cát nguyệt nhật cung tuyên Tự Đức năm Mậu Thân (1848) ngày tháng tốt, kính khắc
文字之祥 Văn tự chi tường (Ấn) VĂN TỰ CHI TƯỜNG (May mắn của văn chương)
嗣德經筵之寶 Tự Đức Kinh diên chi bảo TỰ ĐỨC KINH DIÊN CHI BỬU (Ấn dùng chỗ Kinh diên thời Tự Đức)
御製詩 Ngự chế thi Thơ ngự chế[33]

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tạp chí Bách Khoa thời đại, số đặc biệt 290-291 ngày 1 và 15-2 năm 1969.
  2. Tạp chí Nghiên Cứu & Phát Triển (Huế) số 1(155).2020.
  3. Bộ Ngoại Giao. Vietnamese Realities, Saigon, 1967.
  4. Bulletin des Amis du Vieux Hué (4année No 3, Jullet-Sept 1917). Sur un encrier de Tu-duc par E. Gras (207-8) ; Planche XXVIII – L’encrier de Tu-Duc (Aquarelle de M. Ton-That-Sa) (giữa trang 208-209) ; L’encrier de S. M. Tu-Duc : Traduction des inscriptions par Ngô-Đình-Diệm, cửu phẩm au Tân Thơ Viện. (209-212)
  5. Nguyễn, Duy Chính. Bút Nghiên Giấy Mực. Tp. HCM: Văn Hoá- Văn Nghệ, 2018.
  6. Tôn, Thư An (孙书安). Trung Quốc Bác Vật Biệt Danh Đại Từ Điển (中国博物別名大辞典). Bắc Kinh: Bắc Kinh xbx, 2000.
  7. Thái, Văn Kiểm. Viet Nam: Past and Present (không đề nơi in), 1957.
  8. Thái, Văn Kiểm. Viet-Nam d’hier et d’aujourd’hui (ấn hành dưới sự bảo trợ của Bộ Quốc Gia Giáo Dục) Saigon, 1956.
  9. Trịnh Gia Diệp, “Tây Thanh Nghiễn Phổ Cổ Nghiễn” (西清硯譜古硯). Đài Bắc: Cố Cung Văn Vật Nguyệt San số 167, February 1997.
  10. Viện Sử Học (Viện KHXHVN). Đại Nam Thực Lục (tập sáu). Hà Nội : Giáo Dục, 2007.
  11. Vương, Hồng Sển. Hơn Nửa Đời Hư, Calif. Văn Nghệ, 1995.
  12. WM. Ingraham Kip. Historical Scenes from the Old Jesuit Missions. Anson D. F. Randolph and Company, New York 1875.
  13. Phan Thanh Hải: Với di sản Huế, Vĩnh Cao, “Huyền thoại về Tức Mặc Hầu”. Huế: Thuận Hoá, 2012.

Chú thích

[1] 其色温潤, 其製古樸. 何以寘之, 石渠秘閣. 改封卽墨, 蘭臺列爵. 永宜寳之書香是托.

[2] Đúng ra là làm bằng ngói lợp ở gác Thạch Cừ ngày xưa. Nghiên này lấy ngói sau khi cung điện bị phá huỷ để chế thành nghiên vào đời Tống. (NDC chú thích)

[3] Vị Ương phát xuất từ Kinh Thi, Tiểu Nhã hàm nghĩa là chưa chấm dứt

[4] 金甎

[5] Đơn vị tiền ngày xưa, tương đương 5 shillings

[6]NDC dịch. Trích từ Glimpses of the Court of China, 1773” [Những thoáng nhìn vào triều đình Trung Hoa, 1773] trích trong Historical Scenes from the Old Jesuit Missions, do giáo sĩ WM. Ingraham Kip, D.D., LL.D., hội viên của Hiệp Hội Khoa Học New York sưu tầm, Anson D. F. Randolph and Company, New York (770 Broadway) ấn hành năm 1875. Nếu ai quen thuộc với các ấm đất tử sa, loại tốt gõ vào tiếng trong như kim loại.

[7] Trong bài viết dường như cụ Vương Hồng Sển đã không phân biệt được hai chiếc nghiên, hai loại vật liệu khác nhau nên đặt nhiều câu hỏi không chính xác, nhiều đoạn tưởng như cố tình nói cà kê, nhiều lời ít ý. Xem lời bàn của cụ VHS trong HNDH (Văn Nghệ, 1995), trang 524-531.

[8] Tạp chí Bách Khoa thời đại, số 290-291 ngày 1 và 15-2 đặc biệt tết Kỷ Dậu 1969 tr. 14

[9] Để dễ hình dung, chúng tôi dùng mặt trên, mặt dưới và bốn cạnh theo hướng đông tây nam bắc để nói về chiếc nghiên.

[10] Vương Hồng Sển. Hơn Nửa Đời Hư. (Calif. Văn Nghệ, 1995) Chương 26 : Nghiên Mực Tức Mặc Hầu của Đức Dực Tôn hoàng đế (tr. 515-531) Theo lời thuật của cụ Vương thì bài viết này của cụ dự tính đăng lại vào Hiếu Cổ đặc san số 9 [là tập hợp những bài viết của cụ Vương Hồng Sển] nhưng chưa thành thì xảy ra biến cố năm 1975 nên sau cùng đã chép thêm vào trong Hơn Nửa Đời Hư là tác phẩm cụ Vương viết theo dạng hồi ký.

[11] L’encrier de S. M. Tu-Duc : Traduction des inscriptions par Ngô-Đình-Diệm, cửu phẩm au Tân Thơ Viện. Bulletin des Amis du Vieux Hué 4année No 3, Jullet-Sept 1917 tr. 209-212

[12] L’écrin, dès l’abord, retient l’oeil. La nacre des caractères, soigneusement incrustés, s’irise comme des fragments de prisme sur le fond brillant de laque noir. BAVH, 7-8/1917, E. Gras : « Sur un encrier de Tu-Duc » tr. 207.

Ngay từ đầu, chiếc hộp đã rất bắt mắt. Những chữ bằng xà cừ, được khảm kỹ lưỡng, lóng lánh như những lăng kính nhỏ trên nền sơn đen bóng.

[13] … Đang trí còn nghĩ ngợi viển vông, thoạt nghe Tổng thống đặt máy nói vào móc, tôi vừa day lại thì nghe ông nói chậm rãi nửa thân nửa chí tính : « Cách nay mấy mươi năm, tôi cũng từng làm một nghề tương tự như nghề ông (tiếng ông gọi tôi lần thứ nhứt), nhưng vẫn không phải nơi chốn nầy đâu ! ».

  • Dạ thưa Tổng thống, tôi thầm phục và thầm khen ông khéo lựa mấy lời quá êm cởi mở, dạ thưa Tổng thống, tôi đã từng đọc bài nghiên cứu của Tổng thống viết về chiếc nghiên mực « Tức mặc hầu » đăng năm xưa trong tạp san Đô thành hiếu cổ.
  • Ờ ! phải đấy. Bài ấy tôi viết đã lâu lắm rồi. Có đọc hỉ. (HNDH, tr.475)

[14] Hộp đựng nghiên thường làm theo công thức 3/5 nghĩa phần dưới dày 2 phần thì nắp trên dày 3 phần. Khi nghiên để vào hộp, phần đá trồi lên cao để dễ lấy ra chùi rửa. (Xem ảnh chụp).

[15] Kinh diên 經筵: (Nguyên bản NC/PT viết là Kinh 溼) Hội họp để bàn luận, giảng giải kinh sử. Kinh diên khởi sự từ đời Tống ở Trung Quốc. Vua thường tổ chức và cùng tham dự với các quan. Đến đời Minh, mỗi năm tổ chức hai lần Kinh diên vào tháng Hai và tháng Tám. Triều nhà Nguyễn cũng phỏng theo như thế.

[16] Đoan Khê 端溪 là tên huyện ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Phía đông huyện này có khe Đoan Khê. Nơi này có đá mà từ thời Đường, Tống đã lấy để làm nghiên mực.

[17] Tức bút, nghiên, giấy, mực

[18] Nguyên văn dùng hai chữ Tô trúc蘇竹và Thương bích 蒼璧. Tô trúc là loại tre lớn ở Lĩnh Nam mà người ta thường dùng để làm nghiên đựng mực. Còn Thương bích tương truyền là viên ngọc xanh mà Tô Đông Pha đời Tống tìm được trong trứng thiên nga, dùng làm nghiên mực. Hai từ Tô trúc, Thương bích dùng để chỉ nghiên mực.

[19] Nói đến việc đời Chu, quan Lệnh doãn lên lầu nhìn bốn phía thấy ở phía đông có tử khí` (chỉ khí màu tím, tượng đế vương) từ đông qua tây, mừng nói “ứng với Thánh nhân qua ấp này”. Đến kỳ trai giới, thì ngày đó quả có Lão Tử đến. Ở đây có nghĩa là điềm lành. Ý nói may mắn có được cái nghiên đẹp.

[20] La văn 羅紋 cũng viết là 羅文 là nghiên mực với đá có thớ hình tròn. Trong Nghiên sử có dẫn phần Biện Hấp Thạch Thuyết: “Huyện Kỳ Môn sản xuất loại đá có thớ mịn, rất giống nê tương thạch (đá bùn), cũng có thớ hình tròn nhưng thớ đá không quá dày, không cứng lắm, màu nhạt, dễ khô”. Từ La văn ở đây cũng chỉ nghiên mực.

[21] Trong bản của NC/PT viết là cánh (更). Chúng tôi sửa lại theo bản dịch âm của Vĩnh Cao.

[22] Cù dục 鴝鵒 là loài chim thân đen, cánh có điểm trắng, thường làm tổ trong hốc cây hoặc trên nóc nhà, có khả năng bắt chước tiếng người. Cù dục nhãn 鴝鵒眼 là những chấm trên đá, lớn thì như đồng tiền, nhỏ thì bằng hạt cải, bên ngoài còn vô số quầng. Loại nhãn trong có điểm đen, rất sống động được xếp hạng nhất. Thực ra đó chỉ là những tì vết của đá. Liễu Công Quyền đời Đường luận về nghiên đá có viết: “Chỗ chứa nước có những điểm màu sắc đỏ, trắng, vàng gọi là cù dục nhãn”. Trong sách Nghiên phổ có ghi: “Đá ở Đoan Khê có cù dục nhãn màu vàng đen xen lẫn, óng ánh rất đẹp, linh hoạt như con mắt”.

[23] Tâm心 và Phòng房 là hai sao trong Nhị thập bát tú, thuộc vào chòm Thanh Long nằm ở phương nam. Sao Tâm gồm ba sao, sao Phòng gồm hai sao.

[24] Phủ Kha 斧柯 là tên vùng sản xuất nghiên mực Đoan Khê. Tuy cùng trên một khe, nhưng nghiên lấy ở Phủ Kha là loại tốt nhất. Tương truyền, loại lớn kích thước cũng không quá ba bốn ngón tay. Đá Phủ Kha làm nghiên thì chỉ cần hà một hai hơi là nước bẩn nhỏ giọt thấm ra ngoài. Vì vậy làm nghiên rất quí.

[25] Chỉ phần lõm phía trên nghiên, dùng để chứa nước.

[26] Nguyên văn dùng từ Thạch trung, tức Thạch hư trung 石虛中 có nghĩa là nghiên mực.

[27] Hoàng Đế (2698 trước TL) ở Trung Quốc, họ Đế Hồng 帝鴻 (còn gọi là Hữu Hùng). Hoàng Đế được ngọc, cho chế thành nghiên mực gọi là Đế Hồng nghiên.

[28] Kết Lân 結鄰 là tên của cái nghiên. Lý Vệ Công đời Đường có nhiều nghiên, trong đó cái đẹp nhất có tên là Kết Lân.

[29] Nguyên văn là “thiên dịch” chỉ nước từ trời, ý nói quí báu.

[30] Hồng Ty 紅絲: Loại nghiên sản xuất tại huyện Ích Đô, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Loại nghiên này có thể tạo ra mực, chất vàng đỏ, trên mặt đá có đường tơ đỏ óng ánh, nên mới gọi là hồng ty. Trong Nghiên Phổ của Tô Dị Giản có viết: “Nghiên trong thiên hạ có hơn 40 loại. Hồng ty ở Thanh Châu thuộc loại hạng nhất. Phủ Kha ở Đoan Châu thuộc hạng hai. Long Vỹ ở Háp Châu thuộc hạng ba.

Thanh thiết 青鐵: Có nghĩa sắt màu xanh, là tên nghiên mực. Sách Thập Di Ký ghi: “Trương Hoa dâng sách Bác Vật Chí, vua Vũ đế nhà Tấn ban cho nghiên. Loại sắt này sản xuất ở nước Vu Điền, dâng lên vua Tấn rồi chế thành nghiên mực.

[31] Đồng ngoã 銅佤: Kiến trúc ngày xưa dùng tấm đồng để làm ngói lợp. Trong Hán Vũ Cố Sự có câu: “Khởi thần ốc, dĩ đồng vi ngoã” (Dựng nhà lớn lấy đồng làm ngói). Về sau từ này dùng để chỉ loại ngói cổ.

Phần nê 汾泥: Phần là tên con sông thuộc huyện Ninh Vũ tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Nê là bùn. Người ở vùng này lấy bùn bọc lụa ngâm dưới nước, được một năm thì mang lên, rồi chế thành nghiên mực.

[32] Tức phong tước Hầu. Tức mặc 即墨 có nghĩa là “có mực ngay”.

[33] Ghi chú của người dịch (tức Vĩnh Cao): Bài thơ trên nghiên này viết theo lối cổ với nghĩa quá súc tích, dùng nhiều điển tích và nhiều từ cần hiểu theo nghĩa bóng, không thể dịch sát các từ trong bài được. Vì là thơ nêu câu xem có vẻ tối nghĩa. Lại viết về nghiên mực mà chỉ có nhắc đến ở đề bài, còn toàn bài không hề dùng đến chữ “nghiên” mà người đọc phải hiểu là tả cái nghiên. Chính vì thế bài dịch chỉ mong diễn được một phần nào ý nghĩa của bài thơ

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Chính

Nguồn tin: nghiencuulichsu.com

Nội dung thuộc bản quyền của © Tạp chí điện tử Họ Nguyễn Việt Nam
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://honguyenvietnam.org là vi phạm bản quyền
-------------------------------------------------
Tài khoản nhận tài trợ đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện, hoạt động xây dựng phả hệ, dịch phả sử và kết nối thông tin các chi tộc:
Số tài khoản: 0907097567 - Ngân hàng MB Bank - Chủ tài khoản: Ts Nguyễn Hữu Thi ( Người sáng lập và đại diện điều hành honguyenvietnam.org )
( Xin vui lòng ghi rỏ nội dung ck:  tài trợ quỹ Tấm Lòng Vàng Honguyenvietnam.org )

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập22
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm20
  • Hôm nay5,138
  • Tháng hiện tại282,476
  • Tổng lượt truy cập11,169,113
Dang Ky Thanh Vien Họ Nguyễn Việt Nam
ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN
 
Group Facebook Họ Nguyễn VN
Mail Sever
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây