Ngô Vi Quý, Đoàn Nguyễn Tuấn, Phan Huy Ích và Nguyễn Du năm 1789-1790 trên đất Nhà Thanh dưới triều Tây Sơn

Thứ năm - 06/07/2023 03:42
Sau chiến thắng Đống Đa quét sạch 300 000 quân Thanh ra khỏi bờ cõi. Vai trò các dũng tướng trên chiến trường nhường bước cho các thi tướng đối mặt trên mặt trận văn hoá, ngoại giao nhằm chấm dứt chiến tranh và mang lại thanh bình lâu dài cho đất nước. Dưới triều Tây Sơn việc bang giao với nhà Thanh có nhiều cuộc đi sứ :
Ngô Vi Quý, Đoàn Nguyễn Tuấn, Phan Huy Ích và Nguyễn Du năm 1789-1790 trên đất Nhà Thanh dưới triều Tây Sơn

Năm 1789 sứ giả Tây Sơn Vũ Huy Tấn, Nguyễn Nễ  đưa Nguyễn Quang Hiển cháu vua Quang Trung (con người anh cả) đi sứ.

Năm 1789. Ngô Vi Quý, làm Chánh sứ sang gặp đại thần Hòa Thân để dàn xếp việc vua Càn Long đòi hỏi :  vua Quang Trung vào chầu, làm lễ ôm gối nhận tình cha con và cống voi để vua Càn Long xem voi là con vật thế nào mà quân Thanh thấy sợ bỏ chạy.

Năm 1790, theo phương cách của chính Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An, biết Quang Trung không thể nào bỏ nước đi xa, nhưng để an lòng vua Càn Long, vua Quang Trung cho người cháu vợ là Phạm Công Trị đóng giả nhà vua, cùng hoàng tử Nguyễn Quang Thùy. Chánh sứ là Phan Huy Ích, hai Phó sứ Đoàn Nguyễn Tuấn và Vũ Huy Tấn, cùng tướng Ngô Văn Sở sang mừng thọ vua Càn Long. Cống phẩm còn có hai con voi đực và một ban Hát Bội 10 người sang hát chúc thọ và trình diễn các vỡ tuồng.

Năm 1796 Nguyễn Nễ làm Chánh sứ sang dự lễ vua Càn Long truyền ngôi cho vua Gia Khánh và lên làm Thái Thượng Hoàng.

Năm 1792 Trần Quang Diệu đi sứ cầu hôn con gái vua Càn Long, nhưng chưa đến nơi thì hay tin vua Quang Trung băng hà, sứ đoàn quay trở về.

Năm 1799. Gia Khánh thứ tư, vua Càn Long băng hà thọ 88 tuổi. Ngô Thì Nhậm làm Chánh sứ sang điếu tang. Sứ bộ có hai người cháu vua Quang Trung là Nguyễn Quang Tuân và Nguyễn Quang Dụ.

          Lễ Chúc Thọ vua Càn Long 80 tuổi, năm 1790 là một sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng đương thời. Các tỉnh Trung Quốc, các lân bang trong tầm ảnh hưởng Trung Quốc đều gửi một đoàn hát Kinh Kịch sang trình diễn, sự kiện này kéo dài suốt một năm.

          Để chuyển bị chuyến đi này, một sứ bộ do Ngô Vi Quý làm Chánh sứ có nhiệm vụ gặp gỡ đại thần Hòa Thân, bàn thảo hành trình tiếp đón và vận động triều đình vua Càn Long. Vai trò sứ bộ này như thế nào ? Trong lịch sử nước ta chỉ có những sứ đoàn sang triều cống theo thông lệ ba năm, sáu năm hay các lễ đặc biệt như truyền ngôi, điếu tang.. để giữ tình giao hảo một nước nhỏ với đối với một nước lớn. Triều cống không phải là nộp thuế, sứ đoàn Tây Sơn năm 1790, nhà Thanh tốn hao 800 000 lạng bạc (so với ngân sách thu thuế cả Trung Quốc đương thời là 45 triệu lạng), để tiếp đón sứ đoàn 158 người, trên suốt hành trình so với vật quà cống phẩm chỉ giá trị không đến một phần mười.

          Sự khác biệt này này là sứ đoàn Ngô Vi Quý chỉ gặp riêng Tể Tướng Hoà Thân.  Hoà Thân là ai ? Phải chăng nhà văn Kim Dung đã lấy cảm hứng từ nhân vật này để  hư cấu một nhân vật Vi Tiểu Bảo, trong Lộc Đỉnh Ký kể chuyện từ một chú bé sinh trong thanh lâu không biết cha là ai, lưu lạc trở một chú bé sai vặt trong cung, thành bạn của vua Khang Hy vì ăn vụng nhà bếp gặp vị vua trẻ con, Vi Tiểu Bảo nhờ nịnh bợ được lòng vua có vài công như giết Ngao Bái, từ đó như diều gặp gió trải qua nhiều chức vụ trở thành Tể Tướng. Kim Dung đã thay đổi và thêm thắt nhiều sự kiện, Vi Tiểu Bảo triều vua Khang Hy, và Hoà Thân dưới triều Vua Càn Long.

          Hòa Thân người Mãn Châu, từ xuất thân tầm thường, không thi đỗ cũng không phải quý tộc mà leo đến đỉnh cao danh vọng nhờ nịnh bợ và may mắn, và kết cuộc bi thảm khi Thái Thượng Hoàng Càn Long mất, vua Gia Khánh, vốn có thù hằn từ trước đưa ông ra triều đình nghị luận 20 tội, trong đó có tội coi thường vương pháp và tội cậy quyền thế, Hòa Thân bị cách chức tịch thu tài sản và được ân huệ « tam ban triều điển » thay vì hành hình, cho phép uống thuốc độc chết tại tư dinh.

          Hòa Thân còn gọi là Hòa Khôn, là vị quan đầu triều tham nhũng nhất lịch sử Trung Quốc, tài sản sau khi bị tịch thu bằng 15 năm tiền thuế của cả nhà Thanh. Hòa Thân biết cả bốn thứ tiếng Mãn, Hán, Mông, Tạng, có trí thông minh và năng lực bản thân. Nhờ những dịp may đặc biệt như một ngày vua Càn Long đọc sách trong chiều tối, không nhận ra chữ, lại đúng ngay bài học tủ của Hòa Thân, nên ông đọc rành rõi, giải thích thông suốt, vua Càn Long thán phục.

          Khi vua Càn Long hỏi Hòa Thân : Nhà ngươi là trung thần hay gian thần. Ông trả lời : Trung thần chết sớm, gian thần cũng chết, chỉ có nịnh thần là sống lâu. Thần là nịnh thần.

           Từ đó được tin tưởng, Hòa Thân leo lên mọi cấp bậc danh vọng thăng tiến đến Đại học sĩ Quân cơ đại thần, Cửu môn đề đốc. Được vua Càn Long tin cẩn giao phó mọi việc, Hòa Khôn nắm toàn quyền triều đình nhà Thanh, sách chép rằng các cống phẩm 12 % được đưa vào ngân khố, còn lại 88% bị hút vào phủ Hòa Thân.

          Có nhiều sách nói đến việc tham nhũng của Hòa Thân đã được dịch ra tiếng Việt. (Tuhong Yehannala . Hoà Thân, Đại thần tham nhũng.  Nxb Hội Nhà Văn. Hà Nội 2002.  Hui Wang, Ke Chege, Ngọc Mai, Thế Đạt Tân. Cuộc đời chìm nổi của Hoà Thân, nxbVHTT Hà Nội 2002).

           Muốn cho yên ổn việc binh đao, Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An và Hòa Thân vì để giữ lâu dài chức vụ mình, không muốn vướng bận trong cuộc chiến hao tổn khá nhiều ngân khố, dân chúng lầm than vì bắt lính, bắt dân phu. Cuộc chiến làm cả Trung Quốc rung động, cả trăm dặm sau biên giới Lạng Sơn dân chúng gồng gánh kéo nhau bỏ chạy theo tàn binh Tôn Sĩ Nghị.

          Dưới thời vua Càn Long (1735-1796) được xem là một thời đại thịnh trị nhà Thanh, nhưng thực sự vẫn đầy những vấn đề kinh tế, xã hội : Trong 10 người chỉ có 1 hay 2 người sở hữu đất đai, 3,4 người không có ruộng để cày, tá điền 4,5 người, số lượng lớn nông dân bị ép rời bỏ quê hương tha phương cầu thực, riêng thành phố Bắc Kinh có 10 vạn ăn mày, nhà văn Kim Dung đã mô tả ăn mày lập nên một bang hội Cái Bang hùng mạnh với Bang chủ Hồng Thất Công điều này phù hợp với xã hội Trung Quốc đương thời.

          Dưới triều nhà Thanh từ 1741 đến 1840 dân Trung Quốc tăng vọt từ 140 triệu lên đến 400 triệu người. Việc du nhập các giống cây từ Nam Mỹ như cây ngô, khoai lang, khoai tây.. do người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha mang đến cũng không giải quyết được nạn đói. Quan lại từ Tể tướng Hòa Thân chuyên quyền công khai ăn hối lộ, bẻ cong luật pháp, mua bán quan tước được vua Càn Long dung túng. Đạo đức xã hội Trung Quốc xuống dốc trầm trọng : « Quan lấy việc ăn uống, mỹ sắc làm tri kỷ. Liêm sĩ cốt ở danh tiếng. Cướp lợi lộc là hiền tài. Nghiên cứu nghĩa lý là mê hoặc. Xã hội Trung Quốc thối nát suy tàn từ trên xuống dưới, gây nên những công phẩn, bất mãn trong mọi tầng lớp. »

          Những phong trào chống đối nổ ra với quy mô lớn như Bạch Liên Giáo, Thiên Địa Hội, Niệm đảng, Bái Thượng đế giáo. Riêng cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc do Hồng Tú Toàn lan tràn cả nước làm 30 triệu người chết.

          Do đó trong chuyến du hành trên đất Trung Quốc năm 1787-1790, Nguyễn Du không cần « nhập thế » cũng thấy xã hội Trung Quốc đâu cũng là sông Mịch La. Hậu thế đều là bọn Thượng quan. « Không lộ vuốt nanh cùng nọc độc. Mà xé thịt người nhai ngọt xớt »(Bài Phản Chiêu Hồn)

          Cuộc đi sứ của Ngô Vi Quý  năm 1789-1790, trùng hợp với thời gian Nguyễn Du ở Trung Quốc. Tuy hai người không gặp nhau, nhưng Đoàn Nguyễn Tuấn trên đường đi sứ đã gặp cả hai. Trong Hải Ông thi tập có hai bài thơ : bài viết cho Ngô Vi Quý và bài viết cho văn nhân họ Nguyễn đều ở Trung Quốc. Một người tại Vũ Xương và một người tại Hoàng Châu.

          Thơ văn chữ Hán các cụ ngày xưa không phải là thơ siêu thực, hay viễn mơ mà là thơ tức cảnh sinh tình. Do đó việc xác định thời gian, nơi chốn hoàn cảnh xã hội, những biến cố chính trị đương thời là điều cần thiết. Không phải « duy tâm », từ ước muốn « nhập thế, hay giải thoát » mà sáng tác ra bài thơ, mà hoàn cảnh trước mắt làm nảy sinh ý thơ. Do đó không thể có chuyện đi Nguyễn Du qua Miếu Nhạc Phi ở Thang Âm, mà mơ thấy núi Thê Hà trên Miếu Nhạc Phi cạnh Tây Hồ, Lâm An (Hàng Châu) chìm đắm trong sương khói. Nếu Nguyễn Du chưa từng đến Miếu Nhạc Phi nơi Tây Hồ làm sao biết được sau Miếu Nhạc Phi có núi Thê Hà ?

          Bài thơ rõ ràng Nguyễn Du mô tả tượng Nhạc Phi, như ngày nay chúng ta đến vẫn thấy : « Thương thần dài trượng tám, cung nặng sáu thạch », phía sau có câu « Hoàn ngã giang sơn. » Trả lại giang sơn cho ta.(Bài Nhạc Vũ Mục Mộ)

          Hai câu kết của bài Nhạc Vũ Mục Mộ : « Trướng vọng Lâm An lăng miếu cũ. Thê Hà chìm đắm khói sương dâng ». Có nghĩa là : Nhìn núi Thê Hà mơ màng trong sương khói mà nhớ đến chuyện cũ trong cung đình triều Nam Tống, chuyện Nhạc Phi đang chiến thắng, «  Công lao mười năm bỏ đi một ngày » bị  Tần Cối giả lệnh vua, một ngày hạ mười hai đạo kim bài bắt Nhạc Phi rút quân về và giết cùng con trai Nhạc Vân mà không cần có tội.

           Sau cuộc khởi nghĩa thất bại tại Tư Nông, Thái Nguyên cùng quyền Trấn thủ Nguyễn Đăng Tiến, Nguyễn Du thực hiện ước mơ mình « Ước gì thoát khỏi vòng trần tục »(Bài Sơn Thôn). « Ước gì xuống tóc vào rừng ẩn ».(Bài Tự Thán) Nguyễn Du thành nhà sư Chí Hiên đi ngao du các sông hồ Trung Quốc như Phạm Lãi, như Lý Bạch.. Danh hiệu Chí Hiên còn lưu tại trong Lưu Hương Ký hai bài thơ tặng oán trách lấy chồng thầy Lang làng Nghi Tàm.

           Sau khi đi Trường An, Tín Dương, Lạc Dương đã đến Tây Hồ, vì nơi hẹn với Nguyễn Đại Lang là Miếu Nhạc Phi, Tây Hồ Hàng Châu, nơi đây Nguyễn Du có thì giờ trong lúc chờ đợi nên viết 5 bài thơ : Một bài Nhạc Vũ Mục Mộ, hai bài Tần Cối và hai bài Vương Thị. Các nơi khác Nguyễn Du đi ngang qua chỉ viết một bài thơ. Nguyễn Du đã cư ngụ nơi chùa Hổ Pháo, nơi Từ Hải tức Minh Sơn Hòa Thượng từng tu hành trước khi thành nụy khấu (cướp biển). Trong thời gian này Hàng Châu vừa khắc bản in ấn chuyện Kiều viết bằng văn xuôi của Thanh Tâm Tài Nhân. Chùa Hổ Pháo chỉ cách Miếu Nhạc Phi một con đê Tô, do Tô Đông Pha khi làm thứ sử Lâm An, Hàng Châu đã cho nạo vét lòng hồ đắp nên. Quanh hồ còn có con đê Bạch, do Bạch Cư Dị viết chuyện Thanh Xà và Bạch Xà, Tỳ Bà hành nơi này. Có mộ nàng Tiểu Thanh với rừng mai bát ngát, Từ Sĩ Tuấn đã góp thơ nàng thành Phần Dư Cảo. Tây Hồ đương thời còn có nhiều thanh lâu nơi các nàng Kiều bán mình.  Nguyễn Du đã viết truyện Kiều bằng những cảm xúc thực tế sống động trông thấy tại Trung Quốc năm 1787-1790, chứ không phải cảm hứng do quyển sách ông anh Nguyễn Nễ đem về tặng, hay đọc được trong Phúc Giang thư viện của Nguyễn Huy Oánh, thì giờ rãnh rỗi lúc làm quan Quảng Bình, hay sau khi đi sứ năm 1813.

          Từ thực tế này Nguyễn Du đã cảm hứng muốn diễn nôm Đoạn Trường Tân Thanh. Truyện Kiều của Nguyễn Du không phải là bản dịch nguyên văn thành thơ mà là một sáng tạo mới, thay đổi cắt xén thêm thắt nhiều tình tiết, như đoạn Kiều trả thù Tú Bà, Bạc Bà.. Thay vì Từ Hải nhảy xuống sông tự tử, thì cho Từ Hải chết đứng và chỉ ngã ra khi Kiều khóc. Từ Hải quê tại Hấp Huyện tỉnh An Huy được thay vào bằng quê Nguyễn Đăng Tiến : « Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông » Và đoạn Kim Kiều sum hợp không có trong nguyên tác, ông Phạm Đan Quế từ khoảng năm 1973 đã dịch Truyện Kiều tại Sài Gòn, đối chiếu so sánh hai văn bản, và sách đã được in lại về sau. Việc xử dụng một văn bản cổ tái sáng tạo là chuyện thường tình trong Văn Học thế giới, ngay cả Odyssée và Iliade của Thi hào Homère cũng tái sáng tạo từ những sáng tác các du tử trước ông 300 năm. Ngay tại Trung Quốc cũng có hơn 20 truyện và kịch phóng tác theo truyện Vương Thúy Kiều. Nhiều văn hào, thi hào khác như La Fontaine, Shakespeare cũng sáng tác lại từ những tác phẩm của Hy Lạp, của Ý…

          Khi Tôn Sĩ Nghị bại trận tại Thăng Long lúc đó Nguyễn Du lúc đó đang ở thành Tín Dương đã viết trong bài Tín Dương tức sự :« Tây Phong biến dị hương » Ngọn Gió Tây làm rung động cả đất khách. Trong thơ Nguyễn Du chữ Tây Phong trong các bài thơ đều ám chỉ Tây Sơn.

          Việc đem gần 300 000 quân sang Việt Nam. Theo tính toán của nhà Thanh, nếu đánh trong nước thì quân đánh trận chỉ một phân ba, đánh xa biên giới thì chỉ một phần năm, bốn phần năm còn lại là dân binh bị bắt phục dịch theo khân vác vũ khí, lương thực. Quân đánh trận chủ yếu là người Mãn Châu. Mãn Châu dân không đông chỉ khoảng 4 triệu, vua họ Hoàn Nhan, chia dân làm Bát Kỳ, tám màu cờ, chiến đấu tinh nhuệ, nên đã chiếm được Trung Quốc  400 triệu dân và cai trị đô hộ trong gần ba trăm năm. Dân phục dịch phần đông là người Hán, để thực hiện điều này nhà Thanh đã phải cho truy lùng khắp nơi để bắt lính, bắt dân quân đi phục vụ chiến trường, vơ vét thóc lúa lương thực khiến nạn đói xãy ra nhiều nơi. Khi chiếm đóng Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị đòi Lê Chiêu Thống cung cấp lương thực nhưng việc không thành.  Quân Mãn Thanh chẳng thương gì người Hán đi theo phục dịch. Khi quân Mãn của đã qua cầu, Tôn Sĩ Nghị đã chủ động cho cắt đứt cầu phao, phó mặc cho dân binh người Hán chết đuối xác ngập nghẽn cả sông Hồng.

           Những thảm cảnh nghèo đói của dân Trung Quốc, Nguyễn Du đã trông thấy  trên đất Trung Hoa : “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. “Đường Trung Quốc không bằng phẳng mà quanh co như lòng người. Trung tín không thể nào trông cậy được”. Nguyễn Du không chú tâm tìm con đường “giải thoát” vì lòng thi nhân đã định gần gủi với Thiền Tông : “Lòng ta thường định chẳng xa thiền”.

           Nguyễn Du trong ba năm 1787-1790 sau cuộc khởi nghĩa thất bại tại Tư Nông, Thái Nguyên cùng quyền Trấn thủ Thái Nguyên, Nguyễn Đăng Tiến, được Vũ Văn Nhậm tha chết cho muốn đi đâu thì đi. Sự kiện này được Nguyễn Thu trong Lê Quý Kỷ sự chép rõ, Hoàng Lê Nhất Thống Chí và Lịch Triều tạp kỷ cũng nói đến, tôi có trích dẫn trong các bài viết, không phải là chuyện tôi “tưởng tượng” như PGS TS Trần thị Hoa Lê viết, và PGS TS Đoàn Lê Giang “đi đèo”, “ăn theo nói leo” vị Tiến sĩ người Nhật.

          Ông Nihira Munehiro nghiên cứu Bắc Hành tạp lục, vì cho rằng chỉ là thơ Nguyễn Du đi sứ, nên chỉ đọc cái tựa, rồi tìm trên internet nơi chốn, sắp xếp hành trình đi sứ. Tuy nhiên  Nihira Munehiro chỉ tạm sắp xếp được 109 bài nhưng có 11 bài ông vẫn để trống có nghĩa là ông chỉ ghép vào được 98 bài. Còn 43 bài thì ông hoàn toàn không biết. Trong 109 bài ông sắp xếp vào đường đi sứ, nhiều bài tư tưởng, sự kiện ngược lại với vai trò một sứ thần.

          Nihira Munehiro không thấy những địa danh bên trong mỗi bài thơ, không cắt nghĩa được những nhân vật như Nguyễn Đại Lang, Nguyễn Sĩ Hữu là ai ? Không thấy những năm tháng, hành trình khác nhau trên đường đi sứ như bài Ngũ Nguyệt  quan cạnh độ, viết mùng năm tháng năm nơi Khuất Nguyên trầm mình, khi đi sứ Nguyển Du đi qua tháng bảy và cuối tháng ba đã về tới Nam Quan.

          Nihira Munehiro không giải thích tâm trạng Nguyễn Du qua từng lời thơ, không nhìn thấy Nguyễn Du đi sứ một phái đoàn 27 người, được một vị tướng Mãn Thqnh từ Mặc Phủ, Nam Ninh chỉ huy lo mọi việc và nhiều quan lại hộ tống suốt hành trình, hàng trăm quân binh đi theo bảo vệ cống phẩm, thì có thể nào nhỡn nhơ như một thi sĩ bầu rượu túi thơ ngâm vịnh cảnh một mình. Có thể nào đi sứ mà hẹn với một bác hàng xóm đi thắp hương gác Thiên Phi. Nhiều địa danh ông gán ghép vào con đường đi sứ một cách miễn cưỡng mà không đọc nội dung bài thơ.

          Sứ thần khi đi sứ cũng phải lưu tâm đến những việc chính trị đương thời. Thời Nhà Thanh vốn là người Mãn Châu đánh đổ nhà Minh, thì không thể ca tụng Quế Lâm Cù Các Bộ, một trung thần, “giặc tàn” của Quế Vương nhà Minh đánh đổ nhà Thanh. Trường hợp Nhạc Phi cũng tương tự anh hùng Trung Quốc thời Nam Tống, chống nhà Đại Kim, tên nước cũ của Mãn Châu. Nhà Thanh đương thời là dân tộc Nữ Chân, Mãn Châu, chiếm và đô hộ Trung Hoa. Trường hợp Tô Vũ đi sứ bị bắt giữ cho di chăn dê xứ Hồ, hay Lê Quang Bí đi sứ thời nhà Mạc bị tù giam 18 năm tại Nam Ninh là tấm gương ngày xưa, do đó đi sứ không thể viết những lời lẽ như bài Phản Chiêu Hồn.

          Đi sứ trước một thắng cảnh, phải nhanh chóng làm thơ ứng đối, bài thơ viết ra nhiều người đọc là các quan Trung Quốc đi theo thù tiếp trên đường và địa phương. Thơ kém bị chê sứ thần nước Nam kém văn hóa, sứ thần không thể phạm các húy kỵ tên nhà Thanh, nhất là các nhân vật chính trị chống đối nhà Thanh, sứ thần không phải là thi sĩ  muốn viết gì thì viết.

          Về những quan hệ bạn bè của Nguyễn Du, tôi có nhiều bài viết như về Ngô Tứ Nguyên tức Ngô Thời Vị. Bài Mối tình Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du tôi đã chứng minh về những đối đáp trao đổi, giữa Nguyễn Du qua những chữ dùng họa thơ nhau như: Thanh Chiên, Tây Phong, minh nguyệt, Tây Hồ..  Bài Ký Hữu, Trần thị Hoa Lê không biết Nguyễn Du viết cho ai,  tôi đã giải đáp bằng bài thơ họa lại của Hồ Xuân Hương.

          Nếu chỉ đọc Bắc Hành tạp lục, mà không  xem xét các tập thơ khác, xem Thanh Hiên thi tập, là chỉ là thơ Nguyễn Du làm tại Quỳnh Hải hay Tiên Điền là một thiếu sót lớn. Trong Thanh Hiên thi tập đã có những địa danh, cảnh trí Trung Quốc : Vân Nam “Áo khăn trưởng giả còn theo Hán, Ngày tháng sơn lâm khác lịch Tần”, hay “Tuyết xuống làng xa não tiếng tù”, các bài thơ này Nguyễn Du không thể làm ở Quỳnh Hải hay Hồng Lĩnh, vì Việt Nam không có tuyết, theo lịch nhà Tần, không cạo đầu thắt đuôi sam như nhà Mãn Thanh, cũng không ăn mặc theo nhà Hán.

           Nguyễn Du chia tay cùng Nguyễn Đại Lang và Nguyễn Sĩ Hữu tại Liễu Cao Lâm tức Liễu Châu. Câu thơ “Ngã biệt phù Giang Hán”. Tôi sang sông Hán đây, sông Hán là con đường thủy nối liền từ Hán Dương, Vũ Hán đến Trường An, do đó câu thơ có nghĩa là “Tôi sẽ đi Trường An “ đây. Câu thơ “Giang Bắc – Giang Nam một túi không”, Giang Bắc, Giang Nam là địa danh Trung Quốc hai bên bờ sông Dương Tử. Khi sắp xếp Thanh Hiên thi tập và Bắc Hành tạp lục  Nguyễn Du không quan tâm đến thứ tự năm tháng bài viết, cũng không chú thích cặn kẻ như Phan Huy Ích, nơi chốn sự việc, cảnh và người do đó Nguyễn Du dùng chữ “tạp lục” thay vì sứ trình, hay hoàng hoa, tinh sà như các sứ thần khác. Cả những bài viết tại Bắc Thành như bài Long thành cầm giả ca.. cũng được xếp vào Bắc Hành tạp lục.

          Khi đi sứ với đoàn thuyền chở các sứ thần, cống phẩm, quan quân hộ tống. Chủ yếu là vận chuyển bằng thuyền đi từ sông Lý Giang, bắc Quế Lâm rồi dọc theo sông Tương đến Vũ Hán, vì mỗi lần qua sông lên đường bộ phải mất nhiều thì giờ như đi qua sông Hồng đến Gia Lâm cũng mất một ngày, và phải cần thêm ngựa xe địa phương để chuyển vận. Khi đi về chỉ có quà tặng nên sứ đoàn có thể theo một hành trình khác đường bộ. Vì chủ yếu đi sứ là đi bằng thuyền nên Phan Huy Ích gọi đi sứ là Tinh Sà Kỷ Hành, trên thuyền đi sứ và ông ghi chú cẩn thận, các trạm dừng chân nơi bến sông đèn đuốc sáng rực cả trăng sao, ca múa nhạc tiếp đón..

          Nguyễn Du đã sang Vân Nam cùng Nguyễn Đại Lang, Nguyễn Sĩ Hữu năm 1787 . Họ chia tay nhau tại Liễu Châu, Nguyễn Đại Lang về quê cũ Việt Đông vùng cao sơn lưu thủy thăm nhà, Nguyễn Sĩ Hữu nam quy, về Hồng Lĩnh khởi nghĩa chống Tây Sơn. Còn Nguyễn Du sau khi bị bệnh ba tháng xuân vì chưa quen khí hậu phải ở nhà một lang y, phải bán con ngựa đi đường để trả tiền thang thuốc, hết bệnh “muốn thoát vòng trần tục” rồi trở thành nhà sư Chí Hiên, đội mũ vàng nhà sư đi muôn dặm, “Giang Bắc, Giang Nam cái túi không”, “đọc kinh Kim Cương nghìn lượt”. Trong túi vải Nguyễn Du có  quyển Kinh Kim Cương  chú giải của Lê Quý Đôn, quyển sách được giới sĩ phu Bắc Hà trân trọng thời bấy giờ. Nhà sư Chí Hiên, trường kiếm mang lưng như các nhà sư Thiếu Lâm, đi theo các thuyền buôn, trên sông Giang Nam, Giang Bắc, kênh đào Đại Vận Hà các thuyền buôn đi về tấp nập.

          “Ngã biệt phù Giang Hán”, Tôi sang sông Hán đây, sông Hán là sông nối liền từ Vũ Hán đến Trường An câu thơ có nghĩa là có nghĩa là “Tôi sẽ đi Trường An đây”. Ngày xưa người Việt đọc sách sử biết Trường An (Tây An) nhiều hơn Yên Kinh và các kinh đô khác. Nguyễn Du đến Hán Dương rồi lấy sông Hán đi Trường An, và sau đó đi Tín Dương, Lạc Dương tỉnh Hà Bắc rồi theo Kênh đào Đại Vận Hà đi về Hàng Châu. Nhà sư Chí Hiên tụng kinh rẫy nước cành dương cho hàng hoá buôn may bán đắt nên đi thuyền không mất tiền mà còn được cúng dường. Nhà sư Chí Hiên ngày dạo thắng cảnh. đêm dừng chân nghỉ ngơi trong các ngôi chùa trên đường đi, tụng kinh Kim Cương được nhà chùa  cho ăn bữa cơm chay và tặng xôi oản. Khi chán cảnh rồi lại xuống thuyền buôn xin đi tiếp. Người thường không ai đọc kinh Kim Cương nghìn lượt cả, chỉ có nhà sư tụng kinh Kim Cương mỗi ngày, trong ba năm thì mới thành ra nghìn lượt.

          Nguyễn Du lấy bút hiệu là Thanh Hiên, do chữ Thanh của Lý Bạch và chữ Hiên của gia đình: Nghị Hiên, Quế Hiên, Thích Hiên, Giới Hiên.. Theo gương Thanh Liên Lý Bạch, năm 21 tuổi thành đạo sĩ mặc áo quần trắng, đội nón trắng mang trường kiếm, dạo chơi khắp Ngũ hồ và các sông Giang Bắc – Giang Nam, nghỉ ngơi trong các đạo quán trên đường đi. Ở Tây Hồ, Hàng Châu, Nguyễn Du trú tại chùa Hổ Pháo, nơi Từ Hải tức Minh Sơn Hòa Thượng từng tu hành, đối diện Miếu Nhạc Phi, cách một con đê Tô Đông Pha. Nơi đó Nguyễn Du hẹn gặp lại Nguyễn Đại Lang. “Tương kiến tại Trung Châu”. Trong lúc chờ đợi có thì giờ Nguyễn Du làm 5 bài thơ nơi này. Các nơi khác đi qua Nguyễn Du chỉ làm một bài.

          Nguyễn Du thành nhà sư Chí Hiên đi giang hồ  ba năm, Nguyễn Du gọi thời gian 1786-1796, lúc từ 20 đến 30 tuổi là “Mười năm gió bụi”. Gió bụi vì dinh thự cha anh tại Bích Câu bị kiêu binh phá sạch, làng Tiên Điền bị làm cỏ, từ đường bị tướng Lê Văn Dụ, Tây Sơn dùng mở heo đốt cháy. Nguyễn Du cũng không về Quỳnh Hải, vì nếu ở Quỳnh Hải có vợ con, dạy học dạy văn võ thì không thể gọi là “Mười năm gió bụi”. Nguyễn Du ở Quỳnh Hải từ 1797 đến 1802, sau khi thất vọng với mối tình Hồ Xuân Hương, lúc Nguyễn Du bị tù, mẹ Hồ Xuân Hương gả nàng cho Thầy Lang  xóm Tây làng Nghi Tàm. Nguyễn Nễ sau khi đi sứ năm 1796 về cưới vợ cho Nguyễn Du, cô em út Đoàn Nguyễn Tuấn là Đoàn Nguyễn thị Huệ và về Quỳnh Hải chấm dứt cuộc đời “mười năm gió bụi”.

          Nguyễn Du ở Quỳnh Hải dạy văn, dạy võ. Các bài thơ làm ở Quỳnh Hải, Nguyễn Du đều nói mình : “Góc biển chân trời ba chục tuổi”. Khi vua Gia Long ra Bắc, Nguyễn Du từ Quỳnh Hải dẫn học trò trai tráng, mang ngựa lương thực đến dâng nhà vua. Đến Phù Dung thì gặp vua Gia Long, vua phong ngay tri huyện nơi này. Sự kiện giống như Phi Tử đời Chiến Quốc dâng ngựa cho vua Chu Hiếu Vương mà được cai trị đất Phụ Dung, nên Nguyễn Du có danh hiệu là Phi Tử. Nguyễn Hành trong bài Đi Săn có nhắc đến danh hiệu này.

          Nguyễn Hành trong thơ viết về chú đã nói đến việc Nguyễn Du đi giang hồ : “Giang hồ long miếu hai đường đủ, Thi họa cầm thư bốn nghệ tinh”. Giang hồ ngày xưa, không có nghĩa là “tay anh chị” như ngày nay mà chỉ có nghĩa là đi chơi trên các sông Giang Bắc, Giang Nam và Ngũ Đại Hồ Trung Quốc. Nguyễn Du có thời kỳ đi giang hồ cũng như 18 năm làm quan triều đình.

          Nhờ chuyến đi Trung Quốc năm 1787-1790, có cơ hội nói thông thạo tiếng Hán, nên năm 1803, khi sứ đoàn Tề Bồ Sâm sang phong vương cho vua Gia Long, Nguyễn Du đã được cử đi tiếp sứ.

          Sau khi hai người anh trụ cột gia đình là Nguyễn Khản, Nguyễn Điều mất, dinh thự tại Bích Câu, Thăng Long bị kiêu binh đốt phá. Làng Tiên Điền vì cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quýnh bị làm cỏ, từ đường họ Nguyễn bị đốt. Cuộc khởi nghĩa tại Tư Nông cùng người anh kết nghĩa Nguyễn Đại Lang, Đại Lang có nghĩa là anh cả, vì Nguyễn Đăng Tiến lớn tuổi hơn cả Nguyễn Khản hơn Nguyễn Du 31 tuổi, tước Quản Vũ Hầu nên Lịch Triều tạp kỷ gọi là Cai Già, Hoàng Lê Nhất Thống Chi gọi Cai Gia là tay giặc già, giặc là những người phản Thanh phục Minh sang tị nạn nước ta : “Sinh tử giao tình tại, Tồn vong cùng khổ khi”. Cùng bị bắt và cùng được tha. Nguyễn Du đã dấn thân vào cuộc đời gió bụi. Nguyễn Du đã thực hiện ước mơ  thoát đời trần tục thành một nhà sư đi giang hồ, ngao du thắng cảnh. Nguyễn Du xuất thế trong hoàn cảnh này. Nguyễn Du không hề có ý đi tu để “giải thoát” để thành Phật.

          Sau cuộc chiến Tết năm Kỷ Dậu  (1789). Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược quyển II tr 135 chép như sau :

« Vua nhà Thanh nghe tin Tôn Sĩ Nghị bại binh, nổi giận đùng đùng, lập tức giáng chỉ sai quan nội các là Phúc Khang An thay Sĩ Nghị làm Tổng Đốc Lưỡng Quảng, đem binh mã chín tỉnh sang kinh lý An Nam.  Khang An người Mãn Châu thuộc về dinh Hoàng Kỳ vốn là người tin dùng của vua nhà Thanh. Phúc Khang An ra đến Quảng Tây nghe tiếng quân An Nam thế mạnh trong bụng có ý sợ bèn sai người đưa thư sang nói việc lợi hại bảo phải làm biểu tạ tội cho yên việc binh đao.

          Vua Quang Trung bèn cho người đưa vàng bạc sang đút lót cho Khang An, Rồi sai cháu là Nguyễn Quang Hiển và quan là Vũ Huy Tấn đem  đồ cống phẩm sang Yên Kinh vào chầu vua Thanh và dâng biểu xin phong. Bấy giờ quan ngoài có Phúc Khang An đề bạt giúp đỡ. Quan trong thì có các thần là Hòa Thân làm chủ trương. Hòa Thân cũng là người Mãn Châu về dinh Hoàng Kỳ cùng với Phúc Khang An coi việc phiên viễn.

         Hòa Thân được tiền bạc đút lót, rồi dùng lời nói khéo, điều gì cũng hợp ý vua nhà Thanh. Vua nhà Thanh bèn sai sứ sang phong cho vua Quang Trung làm An Nam  quốc vương và lại giáng chỉ vời quốc vương vào chầu.

Vua Quang Trung bèn chọn một người hình dung giống mình, tên là Phạm Công Tṛi trá làm quốc vương rồi sai Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chân, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, đưa sang Yên Kinh vào chầu vua Càn Long. Ngoài những phẩm vật phải đem cống, vua Quang Trung lại đem cống thên đôi tượng đực, làm cho các cung trạm ở dọc đường bên Tàu phải phục dịch đưa đón thật vất vả. Quan Tổng đốc Phúc An Khang và quan Tuần phủ Quảng Tây là Tôn Vĩnh Thanh phải đưa An Nam Quốc vương vào kinh.

          Sang đến Yên Kinh vua Càn Long nhà Thanh tưởng là Nguyễn Quang Trung thật vời đến chầu ở Nhiệt Hà, cho vào lễ ôm gối như tình cha con một nhà và cho ăn yến với các thân vương. Lúc về nước vua lại sai thợ vẽ làm một bức ảnh truyền thần để ban cho ăn lễ thật là hậu. »

          Việc hối lộ Hoà Thân bằng ngọc ngà châu báu vàng bạc trong cuộc đi sứ của Ngô Vi Quý này có hiệu quả tức thì.  Sau cuộc đi sứ này, các đình thần và vua Lê Chiêu Thống bị ngược đãi, bị lừa bắt cạo đầu thắt đuôi sam như người Mãn Châu và cuối cùng bị đày mỗi người một nơi xa xôi : Hoàng Ích Hiểu bị đày sang I-Lê (Thuộc Hồi Bộ ở Tây Vực) Lê Hàn bị đày sang Phụng Thiên, Mãn Châu. Phạm Như Tùng bị đày lên Hắc Long Giang (Mãn Châu). Nguyễn Quốc Đống bị đày lên Cát Lâm (Mãn Châu). Nguyễn Viết Triệu, Lê Quý Thích, Nguyễn Đình Miên, Đàm Thân Xưởng, Lê Văn Trương đày sang bến Trường Gia ở Nhiệt Hà tỉnh Trực Lệ, chỉ để Phạm Đình Thiện, Đinh Nhạ Hành ở lại hầu vua. Lê Chiêu Thống  chết tức tưởi trong chua xót năm 1793 năm 28 tuổi. Việc xin tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên làm nơi phụng thờ tông tự, như Nhà Mạc ở Cao Bằng cũng bị  Hòa Thân bỏ lơ.

          Ngô Vi Quý  người làng Tả Thanh Oai, nay huyện Thanh Trì Hà Nội. Tên tự là Dụng Hòa. Hiệu là Thanh Phong, Đạo Sung. Cha là Ngô Thanh Tu mẹ là bà Từ Kiệm cung nhân. Đặc tiến Tiến sĩ năm Đinh Dậu (1777).  Ông được mời ra làm quan Hàn Lâm thị thư dưới triều Tây Sơn, cùng với Nguyễn Nễ.  Ngô Vi Quý từng giữ các chức vụ : Phụng sung Bắc Sứ, Kim Tử Vinh Lộc đại phu. Đông Các học sĩ. Khâm sai Hiệp trấn Lạng Sơn. Phẩm hàm Thanh Phong hầu.

          Phan Huy Ích và Đoàn Nguyễn Tuấn gặp Ngô Vi Quý tại  nhà trạm Võ Xương, Vũ Hán, nơi có gác Tình Xuyên và lầu Hoàng Hạc. Hai người đều có thơ tặng Ngô Vi Quý.

          Trong Tinh Sà Kỷ Hành, Phan Huy Ích viết :  Bè tiên đi trong ánh sáng sao Ngưu sao Đẩu xa tít. Văn sĩ lại gặp nhau trong vận hội hưng thịnh. Sách kinh sứ tuế thời ký chép. Trương Khiên nhà Hán vâng mệnh cưỡi bè đi tìm nguồn sông Hoàng Hà lên đến khu vực sao Ngưu sao Đẩu. Về sau người ta dùng điển này để chỉ việc đi sứ. Thơ đi sứ của Phan Huy Ích được chép thành tập Tinh Sà Kỷ Hành, có nghĩa là Thơ trong thuyền đi sứ. (Tôi có dịch toàn bộ  trong bài viết Phan Huy Ích, Tinh Sà Kỷ Hành lưu trử Site Chimvietcanhnam, Nghiêncứulịchsử) Đai phủ tám phen hầu trướng ngự. Mặc áo đại triều mang đai nhiều phen chầu vua Quang Trung. Mây ráng muôn dặm chứa bầu thơ. Xong việc công đáng khen xe sứ ra về yên ổn. Lười như ta còn thẹn bận rộn nơi đất khách. Trên lầu ca nhạc là chốn gặp gỡ vui vẻ trân trọng. Núi sông lần lượt đón tiếp ngôi sao sứ thần.

Tôi dịch thơ  như sau :

HỌA TIỄN QUAN HÀN LÂM HỌ NGÔ

HIỆU THANH PHONG ĐI SỨ VỀ

Bè tiên ánh sáng Đẩu Ngưu xa,

Văn sĩ trùng phùng hội thái hòa.

Trướng vua tám bận hầu đai mũ,

Bầu thơ muôn dậm ánh vân hà.

Xong việc trở về quê yên ổn,

Ta lười thẹn bận đất người xa.

Trân trọng trên lầu vui ca nhạc,

Núi sông lần tiếp sứ thần qua.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

HỌA TIỄN THANH PHONG

NGÔ HÀN LÂM SỨ HỒI

Tiên sà dao phiếm Đẩu Ngưu quang,

Văn sĩ trùng phùng vận hội xương.

Quan bội bát phiên bồi ngự ác.

Vân hà vạn lý trữ ngâm trang.

Hoàn công đa tiễn qui thiều ổn,

Lãn ngã do tàm khách lộ mang.

Trân trọng kê lâu hoan ngộ xứ,

Giang sơn điệt tiếp sứ tình lang.

PHAN HUY ÍCH. Tinh Sà Kỷ Hành

          ĐOÀN NGUYỄN TUẤN trong Hải Ông Thi Tập viết bài thơ gặp Ngô Vi Quý như sau :

          Sau rằm tháng sáu (1790) tới Vũ Xương gặp người bạn là Ngô Dụng Hòa từ Yên Kinh trở về. bèn làm thơ tặng.  Gặp nhau hàn huyên ta đều là khách tha hương. Nắm tay thân tình thấy khó là người ở trọ. Ban kinh : dịch thoát là gặp nhau hàn huyên do Tả truyện  câu « Ban kinh tương dữ thực, nhi ngôn phục cố » Trải chiếu cỏ xuống đất cùng ngồi ăn mà nói chuyện cũ. Về sau khi nói bạn hữu gặp nhau giữa đường, cùng nói chuyện cũ gọi là « Ban kinh phục cố ». Thân bèo dạt đi với ở, chuyện đời trôi nổi. Phận nhạn hồng qua lại duyên nợ tạm thời. Ông về rồi sẽ được ngắm trăng thu.  Tôi đi vẫn phải trên đường bụi bặm. Bè bạn trong kinh nếu có hỏi thăm. Rằng áo cừu bạc màu sẽ về vừa dịp trước xuân. Áo cừu bạc chuyện Tô Tần đi thuyết sứ. Điều đáng lưu ý là Bắc Kinh được gọi là Yên Kinh, không ai gọi là Trường An cả. Trường An hay Tràng An là Tây An. Si ́ an.  Điều này GS Nguyễn Huệ Chi lầm, gọi Bắc Kinh  là Trường An.

Tôi dịch thơ như sau :

SAU RẰM THÁNG SÁU TỚI VŨ XƯƠNG

GẶP NGƯỜI BẠN LÀ NGÔ DỤNG HÒA

TỪ YÊN KINH TRỞ VỀ LÀM THƠ TẶNG.

Gặp nhau chuyện cũ khách tha hương,

Tay nắm thân tình khó lữ nhân.

Thân bèo trôi nổi theo thời thế,

Cạnh nhạn đi về tạm nợ duyên.

Anh về được ngắm trăng thu đến,

Tôi đi rong ruỗi bụi hồng trần.

Bè bạn trong kinh ai có hỏi.

Áo cừu về đến trước sang xuân.

LỤC NGUYỆT VỌNG HẬU ĐÁO VŨ XƯƠNG

NGỘ NGÔ KHẾ DỤNG HOÀ THỊ TỰ YÊN HỒI

THI DỮ TẶNG CHI.

Ban kinh quân thị tha bang khách,

Bả quyết nan vi nghịch lữ nhân.

Bình ngạnh khứ lưu phù thế sự,

Nhạn hồng lai vãng tạm thời nhân.

Quân hồi đương đối tam thu nguyệt,

Ngã khứ hoàn đa nhất lộ trần.

Kinh để thân bằng như kiến vấn.

Tệ cừu quy nhật cáp tiên xuân.

          Nguyễn Du gặp Đoàn Nguyễn Tuấn và Phan Huy Ích tại Hoàng Châu, sau khi cùng Nguyễn Đại Lang từ Lâm An đi Yên Kinh gặp các quan nhà Lê theo vua Lê Chiêu Thống bàn việc xin tỉnh Thái Nguyên làm hương hỏa nhà Lê, nhưng thất vọng các quần thần bị đày mỗi người một nơi, họ trở về đến Hoàng Châu tỉnh Hồ Bắc. Hoàng Châu có di tích lầu trúc Vương Vũ Xứng và nhà Tô Đông Pha. Tô chống đối Tể Tướng Vương An Thạch nên bị biếm trích khỏi triều đình ra Hoàng Châu tỉnh Hà Bắc, Nơi đây Tô Đông Pha làm các bài Tiền Xích Bích và Hậu Xích Bích và bài Hoàng Châu khoái tai đình ký.. Vương Vũ Xứng viết bài ký Hoàng Châu trúc lâu ký.

Đoàn Nguyển Tuấn tặng văn nhân họ Nguyễn tại Hoàng Châu trên đường đi Nhiệt Hà cung điện mùa hè Vua Càn Long.

CHÍ HOÀNG CHÂU THÍCH NGUYỄN KHẾ VĂN

TỰ YÊN KINH HỒI, TẨU BÚT TẶNG CHI

Phù thế bách niên đồ tác khách,

Nhĩ Hà nhất biệt động kinh xuân.

Biền xa qui sấn huân phong đạo,

Tố tụ hành xung Nhiệt thủy trần.

Bình ngạnh hữu duyên đồng thử lộ,

Tang bồng vô vị tiếu ngô thân.

Ban kinh tiểu chước Ngân giang thượng.

Cố quốc trùng phùng tuế hựu tân.

ĐẾN HOÀNG CHÂU GẶP VĂN NHÂN HỌ NGUYỄN

TỪ YÊN KINH TRỞ VỀ VIẾT VỘI TẶNG

Trăm năm trôi nổi ta là khách,

Một biệt Nhĩ Hà mấy độ xuân.

Song mã anh về Nam lộng gió,

Vung tay tôi hướng Nhiệt hồng trần.

Bèo nước có duyên đường lại gặp,

Tang bồng vô vị tự cười thân,

Gặp nhau chuốc chén dòng Ngân thượng.

Nước nhà lại hẹn gặp sang xuân.

HỰU.

Hương tâm dao trục nhạn đầu nam,

Khách quán na kham cửu hệ tham.

Linh lộ tạc lai lô dục lão,

Thanh phong qui khứ cát ưng đàm.

Chi tri bệnh cốt bằng lan trọng,

Giải cấu văn nhân sách chỉ đàm.

Lan xú tảo văn như kiến vãn,

Nhất bôi hà xứ hoạt tân can !

VIẾT THÊM

Lòng quê theo nhạn vượt về Nam,

Quán khách không dừng lâu ngựa thăm.

Móc đọng đầm đìa lau sắp cỗi,

Gió về mắt rượi áo the hàn.

Thân đau cố gượng lan can tựa,

Gặp gỡ nhà văn lắm chuyện bàn.

Sớm ngửi hương lan lòng thư thái.

Xứ người một chén ấm tâm can.

          Sau khi nghỉ thành Trịnh Châu, sáng qua sông Trăn Vị, Đoàn Nguyễn Tuấn đang trùm đầu ngủ thì ngựa ngã, xe té nhào, thân mình đau đớn, áo giày bùn nham nhỡ, được lương y cứu chữa, khi gặp văn nhân họ Nguyễn, ông còn đau đớn. Gặp gỡ họ bàn chuyện sách vở văn chương. Họ bàn chuyện gì ? trong bài thơ Vô Đề viết sau đó Đoàn Nguyễn Tuấn gặp một ca nữ trong tiệc quan ông có viết câu : « Hồng nhan đa truân ». Theo tôi sau khi đọc quyển Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, tại chùa Hổ Pháo, ở Tây Hồ Hàng Châu, Nguyễn Du bị ám ảnh về chuyện hồng nhan đa truân, nên khi gặp Đoàn Nguyễn Tuấn họ bàn luận với nhau chuyện này.

          Những bài thơ lưu dấu các cuộc gặp gỡ giữa Ngô Vi Quý, Đoàn Nguyễn Tuấn, Phan Huy Ích và Nguyễn Du trên đất Trung Quốc cho chúng ta một tầm nhìn rộng hơn, thi hứng của Nguyễn Du, đã khiến ông từ một chuyện lưu lạc một cô gái thanh lâu, một chuyện thường thường bậc trung, thành ra một kiệt tác văn chương. Việc mượn một tác phẩm nước này, nước khác để viết lại thành một kiệt tác văn chương là điều thường thấy tại Tây Phương và trên thế giới, Nguyễn Du không dịch nguyên văn mà tái sáng tạo bằng thi ca. Tài văn chương Nguyễn Du đã sáng tạo ra một kiệt tác. Dù tại Trung Quốc có hàng chục truyện, kịch lấy đề tài từ chuyện Vương Thúy Kiều và Từ Hải. Có nhiều cuộc thảo luận Nguyễn Du viết Truyện Kiều lúc nào, người cho rằng Nguyễn Du viết lúc làm quan tại Quảng Bình, người thì sau khi đi sứ năm 1813.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho rằng Nguyễn Nễ đi sứ năm 1796 mang sách Thanh Tâm Tài Nhân về tặng em. Khi làm quan Nguyễn Du không có thì giờ nhiều để làm việc này.

          Việc nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn về chữ húy trong những văn bản Kiều cổ nhất, đã đi đến kết luận Truyện Kiều được viết trước thời Gia Long. Điều này trùng hợp với quan điểm của tôi. Nguyễn Du có bản Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân tại Hàng Châu năm 1790, khi trú ngụ tại chùa Hổ Pháo, Tây Hồ nơi Từ Hải tức nhà sư Minh Sơn Hoà Thượng, tu hành trước khi hạ sơn thành nụy khấu. Chùa đối diện Miếu Nhạc Phi chỉ cách con đê Tô.  Những ngày cuối đời Gs Nguyễn Tài Cẩn, tôi có liên lạc với ông đang bệnh phong thấp nặng tại Moscou. Ông rất vui khi biết tin này trước khi nhắm mắt, bằng hai con đường khác nhau tôi và Gs Nguyễn Tài Cẩn cùng đi đến một xác định. Truyện Kiều được Nguyễn Du hoàn thành trước thời nhà Nguyễn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO :

PHAN HUY ÍCH. Dụ Am ngâm lục . Tập II tr 21. Nxb Khoa Học Xã Hội. HN 1978.

ĐOÀN NGUYỄN TUẤN. Hải Ông thi tập tr. 285. Nxb. Khoa Học Xã Hội. HN.1982

TRẦN TRỌNG KIM. Việt Nam sử lược. Quyển II.Nxb Sống Mới . Hoa Kỳ 19788.

TRẦN THỊ HOA LÊ, Văn chương Nguyễn Du. Hành trình nhập thế và giải thoát. Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội. Khoa Ngữ Văn 15-10-2021.

NIHIRA MUNEHIRO. Khảo sát lại lộ trình đi sứ Nguyễn Du và thứ tự các bài thơ chữ Hán Bắc Hành Tạp Lục. Văn Việt 2018.


Paris  ngày 15-6-2023

PHẠM TRỌNG CHÁNH

Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục. Viện Đại Học Paris Sorbonne

Tác giả bài viết: PHẠM TRỌNG CHÁNH

Nguồn tin: nghiencuulichsu.com

Nội dung thuộc bản quyền của © Tạp chí điện tử Họ Nguyễn Việt Nam
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://honguyenvietnam.org là vi phạm bản quyền
-------------------------------------------------
Tài khoản nhận tài trợ đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện, hoạt động xây dựng phả hệ, dịch phả sử và kết nối thông tin các chi tộc:
Số tài khoản: 0907097567 - Ngân hàng MB Bank - Chủ tài khoản: Ts Nguyễn Hữu Thi ( Người sáng lập và đại diện điều hành honguyenvietnam.org )
( Xin vui lòng ghi rỏ nội dung ck:  tài trợ quỹ Tấm Lòng Vàng Honguyenvietnam.org )

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập30
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm27
  • Hôm nay6,535
  • Tháng hiện tại283,873
  • Tổng lượt truy cập11,170,510
Dang Ky Thanh Vien Họ Nguyễn Việt Nam
ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN
 
Group Facebook Họ Nguyễn VN
Mail Sever
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây