Di tích lịch sử: Nhà thờ tộc Nguyễn Đức, ở thị trấn Hà Lam

Thứ sáu - 31/01/2020 19:03
Nhà thờ tộc Nguyễn Đức tọa lạc tại tổ 11, Thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Từ ngã tư Hà Lam đi về hướng Tam Kỳ khoảng 1 km là đến cổng Quán Hương (ngoài ngã ba Cây Cốc khoảng 1 km), tại cổng này đi thẳng theo hương lộ lát bêtông khoảng 300 m là đến trường Trung học phổ thông Thái Phiên. Từ đây rẽ trái đi tiếp trên hương lộ bêtông này khoảng 300 m nữa là đến cổng nhà ông Nguyễn Đức Nhật (thuộc địa phận làng Hương), trước cổng có viết hai câu đối của tộc bằng tiếng Việt “Ông Bà Lưu Hồng Phúc - Con Cháu Vọng Cội Nguồn”, từ cổng này vào 30 m là đến Nhà thờ tộc Nguyễn Đức.
Di tích lịch sử: Nhà thờ tộc Nguyễn Đức, ở thị trấn Hà Lam

   Sự kiện lịch sử của di tích:

     Theo quyển Gia phả tộc Nguyễn Đức - Hà Lam nguyên văn viết bằng chữ Hán vào năm Mậu Thìn 1928, Bảo Đại thứ III kê rõ gốc tích và thế hệ từng đời từ ngài Sơ tổ đến đời con cháu lúc bấy giờ. Sau 60 năm, đến năm Mậu Thìn 1988, tộc phụng tu lại gia phả bằng tiếng Việt và bổ sung thêm danh sách các đời con cháu về sau.

     Tổ tiên Nguyễn Đức Tộc - Hà Lam gốc tỉnh Nghệ An, phủ huyện tổng không rõ, Ngài Thủy tổ Nguyễn Đức Nghĩa (con ngài Sơ tổ Nguyễn Đức Sĩ) có công phò vua giúp nước, chiếu theo gia phả tộc Nguyễn Đức bằng chữ Hán lập năm Nhâm Thìn 1928, Bảo Đại III (có bảng sao dịch âm và nghĩa đính kèm) được Vua Lê Thánh Tông ban cho chức “Cai Tri Châu Huyện Lương Xuyên Hầu” (Hầu là tước thứ hai trong ngũ tước của thời Lê: Công - Hầu - Bá - Tử - Nam).

     Thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) vào phương Nam đánh thắng Chiêm Thành, theo lệnh triều đình truyền cho xã dân rằng người nào muốn tình nguyện di cư, khẩn điền, lập nghiệp thì được triều đình cấp trâu bò cày, nông cụ, y phục và tiền lương để làm theo sở nguyện của mình. Nghe được lệnh vua ban, ngài Nguyễn Đức Sĩ và con là ngài Nguyễn Đức Nghĩa mộ một số người đồng hương lập hiệu, làm đơn xin đi khẩn điền. Khi đến một vùng có nhiều cựu điền phì nhiêu bèn đình trú lại, xin tái thừa lãnh quan hạng, dựng nhà lập trại, khai khẩn cựu điền, và cả hoang điền ở các vùng Liễu Trì (nay là xã Bình Nguyên), Đồng Thái (Thị trấn Hà Lam), Trà Huynh (xã Bình Quý), Phước An (nay là Chung Phước – Thị trấn Hà Lam) và Cây Mít (gọi là La Mật, xã Bình Phục). Đốn cây phá rừng san bằng đất từ gò đống và chỗ trũng, đắp bờ bao, trồng rào tre để tạo nên ruộng đồng, vườn tược.

     Nhằm phục vụ cho việc canh tác, điều hòa nước cho mùa khô, ngài đã huy động bà con và nhân dân vét mương, đào kênh, nới rộng Bàu Hà Lam để chứa nước mùa mưa, lấy nước từ đập trên sông Ly Ly để cung cấp thêm nước vào mùa khô. Lợi dụng các kinh rạch có sẳn và tạo thêm kênh, mương để dẫn thủy nhập điền vào nội đồng và tiêu nước mưa xuống vùng Bàu Tắm ở Tất Viên.

     Để an cư lạc nghiệp và phục vụ dân sinh, ngài tổ chức xây dựng làng, thôn xóm, xây nhà cửa, làm đường, đào giếng, v.v…Khai thác vùng ruộng trũng ở Rộc Ông để sản xuất nông nghiệp. Cải tạo vùng đồi ở Hà Lam Trong để tạo ra rừng Nguyễn Đức rộng cả vài chục mẩu trồng nhiều cây lớn và cây bổi để khai thác hằng năm tạo nguồn thu nhập cho quỹ của tộc. Tạo ra Trảng Chổi ở Trại điền Ca lâu (nay là Quý Xuân) để khai thác bổi dùng vào việc đắp đập trên sông Ly Ly bổ sung thêm nước vào Bàu Hà Lam.

     Tộc trí tự 5 sào ruộng để lo cúng tế, mỗi Phái cũng được trí 5 sào ruộng để lo việc hương khói ông bà.

     Sau khi mọi việc đã hoàn tất, ngài lập nên xã hiệu là Hà Lam. Hà có nghĩa là sen và lam là chàm (vì vùng đất khai khẩn có khe sen chảy qua, và đứng trên cao nhìn xuống thấy mạ lúa xanh tốt như chàm).

    Về sau, triều đình sức khai đinh điền số mục trong việc tổ chức ở làng xã. Đất nào nguyên được cấp theo quan hạng thì trưng làm công điền, còn đất nào thuộc khe lạch gò đống, không thuộc loại quan hạng thì cấp làm tư điền. Các nơi như Liễu Trì, Trà Vinh, Phước An, Cây Mít lần lượt được khai triển thành từng ấp và lập nên xã hiệu, thôn riêng.

Công điền Hà Lam gồm cả đất ở Hà Châu, Hương Lộc, Đồng Đức, Vinh Huy, Xuân An, Quý Xuân, ở đó có nhiều con cháu Nguyễn Đức lập nghiệp.

     Với các công trình trên, Hà Lam là nơi sản xuất được rất nhiều lương thực, thực phẩm. Chợ Hà Lam là nơi giao thương giữa các vùng, từ miền biển như Chợ Được, Trà Đỏa, v.v. lên miền núi như Việt An, Hiệp Đức v.v… Con dân Hà Lam và con cháu Nguyễn Đức nhờ đấy mà an cư lạc nghiệp và phát đạt.

     Khi tuổi đã cao và già yếu, ngài sơ tổ Nguyễn Đức Sĩ trao trách nhiệm và công đức về khai hoang lập xã của mình lại cho con là ngài Lương Xuyên Hầu Nguyễn Đức Nghĩa đảm nhiệm, để tiên dưỡng an nhàn.

     Vào tháng 3 năm Tân Mão (nhằm tháng 4 năm 2011), vài vị con cháu Nguyễn Đức Hà Lam đã ra xứ Nghệ tìm về cội nguồn dòng họ và biết rằng gốc của tộc Nguyễn Đức ở tại xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh khoảng 10 km về phái Tây Nam và cách Làng Sen vài cây số. Nhà thờ tộc ở đây cũng vừa được xây dựng lại khang trang bằng rường gỗ mít trong năm 2011. Theo gia phả của tộc Nguyễn Đức - Nam Xuân thì cho đến nay tộc có 20 đời, gồm hơn 100 hộ cư ngụ tại quê nhà. Tộc có nhiều danh tướng, đô đốc, nhiều vị đỗ đạt cao, đảm trách chức vụ quan trọng. Cũng theo gia phả và tương truyền thì nguồn gốc của tộc Nguyễn Đức ở Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh, nằm về phía Đông Bắc thủ đô Hà Nội.

     Sau nhiều trăm năm lập nghiệp, dòng họ Nguyễn Đức - Hà Lam ngày nay trở nên đông đúc với 4 phái và 7 chi thuộc 16 đời. Phần lớn bà con sinh sống tại quê nhà, khoảng trên 200 hộ. Một số nữa khá đông sinh sống ở các làng xã, huyện, tỉnh và thành phố khác (như Bình Quý, Bình Định, Đồng Đức, Hà Châu, Quế Sơn, Tam kỳ, Đà Nẵng, Hội An, Hà Nội, Phú Thọ, thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, Đắc Lắc, Bình Long, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ngãi, v.v) và tại nhiều nước khác trên thế giới.

     Từ lâu, ông bà và con cháu Nguyễn Đức phần lớn làm về nông và thương nghiệp, giáo dục và đông y. Về sau con cháu theo đuổi các ngành nghề khác như văn học, khoa học kỹ thuật, kinh tế tài chánh, quản lý kinh doanh, y dược và một số nghề khác nữa. Trong quá trình phát triển, tộc đã có những danh tướng, như ngài Mãnh Tướng Quân Nguyễn Đức Nhẩn thuộc đời thứ 3, ngài Lộc Tấn Hầu Nguyễn Đức Chí – đời thứ 7 làm quan ở Thanh Hóa, ra công giúp nước, mở rộng bờ cỏi, và gần đây hơn, trong thời Nho học và tân học, đã có những vị khoa bảng làm rạng danh cho tộc như:

     Đời thứ 10:

     - Ông Nghè Nha (Nguyễn Đức Nha)

     - Ông Bá Hộ (Nguyễn Đức Hồng)

     Đời thứ 11:

     - Ông Tú Lang (Nguyễn Đức Lang)

     - Ông Thông Kỳ

     - Ông  Hương Trà (Nguyễn Đức Nghiệp)

     - Ông Hương Lộc (Nguyễn Đức Giao)

     Đời thứ 12:

     - Ông Thủ Khuông (Nguyễn Đức Khuông)

     - Ông Thủ Ngại (Nguyễn Đức Phiên)

     - Ông Thủ Đính (Nguyễn Đức Quyền)

     - Ông Chánh Hai (Nguyễn Đức Trọng)

     - Nhà văn Vũ Hạnh (Nguyễn Đức Dũng)

    Đời thứ 13:

     -  Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám Đốc Ngân Hàng Công Thương, Chi nhánh Quảng Nam.

     - Thầy giáo Nguyễn Đức Chương, Hiệu Trưởng trường Tiểu học huyện Thăng Bình.

    - Tiến sĩ Nguyễn Đức Liễn, chuyên gia Thủy lợi và Thủy điện, Ủy Hội Quốc tế sông Mê-công.

     Đời thứ 14:

     - Thạc Sĩ Nguyễn Đức Hoàng, chuyên gia Chương trình Lương thực Thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc.

     - Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Thạc sĩ công nghệ thông tin-Giám đốc Quản lý dự án công ty tư vấn ở Toronto, Canada.

     - Bà Nguyễn Đức Thanh Trân, Thạc Sĩ Kinh tế - Tài chánh, Phó Chủ Tịch một Ngân hàng Đầu tư lớn ở thành phố New York, Hoa Kỳ.
     - Thạc sĩ Nguyễn Đức Công Song, Giảng viên Công nghệ thông tin, trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh.

     Truyền thống tốt đẹp lưu truyền lâu đời trong dòng họ Nguyễn Đức là hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, sống hài hòa với xóm giềng và thương yêu đùm bọc lẫn nhau cả trong gia đình, họ hàng và làng xã. Một truyền thống nổi bật nữa là nghèo mà hiếu học.

     Nguyên tộc Nguyễn Đức có một sở chùa tại Xá Trâu hiệu “Phước Phổ Tự”, trung gian thờ Phật, hai bên tả hữu thờ ông bà. Theo quyển gia phả tộc Nguyễn Đức lập năm Mậu Thìn 1928, Bảo Đại III và bản phụng tu bằng tiếng Việt năm Mậu Thìn 1988 thì nhà thờ Nguyễn Đức tại Hà Lam đã được xây dựng vào năm Đinh Mùi 1847 thời Thiệu Trị, đến nay là 166 năm, tộc đã kiến thiết nhà thờ ở địa điểm hiện tại và nghinh ông bà về phụng tự từ đó đến nay.

      Con cháu Nguyễn Đức - Hà Lam đã dày công bảo tồn ngôi nhà thờ Nguyễn Đức gần hai thế kỷ và sẽ tiếp tục chăm sóc, tu bổ di tích lịch sử đầy giá trị văn hóa này để lại cho thế hệ mai sau. Tộc Nguyễn Đức - Hà Lam có Tộc Ước làm quy tắc điều hành và quản lý công việc dòng họ. Các văn bản chính thức đều có chữ ký của tộc trưởng hoặc người thay mặt Hội đồng Gia Tộc và đóng dấu đỏ của tộc. Tộc đã lập ra Quỹ Trùng Tu để bảo tồn di tích nhà thờ và tu bổ mồ mã, Quỹ Tế Tự để thờ cúng ông bà, Quỹ Khuyến Học để giúp đỡ học sinh nghèo và hiếu học, phát giấy khen để khuyến khích gương tốt và học tập xuất sắc, tổ chức Hội Nàng Dâu để sinh hoạt và tương trợ lẫn nhau. Hội đồng Gia tộc tổ chức các phiên họp thường kỳ và bất thường để bàn bạc, hoạch định, điều hành và kiểm tra việc thực thi các công tác của tộc, kể cả việc kêu gọi đóng góp và kiểm tra các mục thu, chi các quỹ.

      Giá trị khoa học, lịch sử:

     Dòng họ Nguyễn Đức có nguồn gốc xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, có truyền thống hiếu học và yêu nước. Nhiều thế hệ con cháu dòng họ đã đỗ đạt cao trong các kỳ thi dưới triều Lê và chiêu dân, lập làng, dạy chữ cho nhân dân. Tất cả điều đó là nhờ công đức của Sơ tổ Nguyễn Đức Sĩ, và ngài Thủy tổ Nguyễn Đức Nghĩa.

      Ngài Sơ tổ Nguyễn Đức Sĩ có công khai khẩn, lập điền và lập nên xã hiệu Hà Lam. Một trong những người ưu tú của dòng họ Nguyễn Đức là ngài Nguyễn Đức Nghĩa, con ngài Nguyễn Đức Sĩ, đã có công phò vua giúp nước, được nhà vua ban cho chức “Cai Tri Châu Huyện Lương Xuyên Hầu” (Hầu là tước thứ hai trong ngũ tước của thời Lê: Công – Hầu – Bá – Tử - Nam).

      Sau khi các ngài Sơ tổ và Thủy tổ mất, con cháu tộc họ xây dựng mồ mả các vị tại tổ 10, Thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình.

    Trải qua gần hai trăm năm, mặt dù qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nhà thờ dòng họ Nguyễn Đức tại tổ 11 Thị trấn Hà Lam vẫn gìn giữ được nét cổ kính ngày xưa tại nguyên vị trí cũ.

      Đây là di tích lịch sử cần được con cháu dòng họ Nguyễn Đức và bà con  nhân dân địa phương gìn giữ, tôn tạo để giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống hiếu học và yêu nước của các bậc tiền nhân đi trước.
Ảnh: Toàn cảnh nhà thờ tộc Nguyễn Đức

Tác giả bài viết: honguyenvietnam.org

Nội dung thuộc bản quyền của © Tạp chí điện tử Họ Nguyễn Việt Nam
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://honguyenvietnam.org là vi phạm bản quyền
-------------------------------------------------
Tài khoản nhận tài trợ đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện, hoạt động xây dựng phả hệ, dịch phả sử và kết nối thông tin các chi tộc:
Số tài khoản: 0907097567 - Ngân hàng MB Bank - Chủ tài khoản: Ts Nguyễn Hữu Thi ( Người sáng lập và đại diện điều hành honguyenvietnam.org )
( Xin vui lòng ghi rỏ nội dung ck:  tài trợ quỹ Tấm Lòng Vàng Honguyenvietnam.org )

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập38
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm30
  • Hôm nay4,929
  • Tháng hiện tại282,267
  • Tổng lượt truy cập11,168,904
Dang Ky Thanh Vien Họ Nguyễn Việt Nam
ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN
 
Group Facebook Họ Nguyễn VN
Mail Sever
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây